VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Ta &người

Người Việt và việc tiếp nhận văn  hóa nước ngoài
 trong con mắt của một số trí thức Việt Nam đầu thế kỷ XX


       Trong các công trình nghiên cứu văn hóa của một quốc gia,  thường người ta không quên để riêng một phần nói về lịch sử giao lưu văn hóa của nước chủ nhà với các nước khác, các nền văn hóa khác. 
       Nhu cầu tự nhận thức buộc người ta phải làm vậy. Không một dân tộc nào chỉ sống khép kín mà không quan hệ với các cộng đồng khác. Tối thiểu thì trong mối quan hệ này, các dân tộc sẽ học hỏi để ngày mỗi trở nên mạnh mẽ hơn giàu có hơn.  Còn nói cho to tát ra thì đây chính  là chỉ số đánh dấu trình độ  trưởng thành của mỗi dân tộc  với tư cách một bộ phận của nhân loại.
         Trong quá trình này, ý thức về ta và người nẩy sinh, nó cũng là một khía cạnh làm nên  tâm thế làm người, một hằng số lặp đi lặp lại ở nhiều thế hệ.
         Hiện trong các công trình nghiên cứu về văn hóa VN,  vấn đề này gần như chưa được đặt ra.  Song ở dạng những nhận xét tạt ngang, nó đã được các nhà trí thức các nhà hoạt động văn hóa trong quá khứ quan tâm và phát biểu đây đó. Mấy năm trước chúng tôi đã trích lục một số ý kiến này để đưa vào mục Người xưa cảnh tỉnh, in rải rác trên mặt báo.  Nay xin hệ thống hóa lại và giới thiệu chúng theo trình tự thời gian mà các tác giả đã phát biểu. Các đầu đề nhỏ là do người biên soạn đặt.






Sống như mơ ngủ
      Nước ta từ ngày Pháp sang bảo hộ trên mấy mươi năm, người mình học Tây học chỉ làm được việc phiên dịch nói phô mà thôi, không có ai hấp thu được chỗ tinh tuý, phăn (phanh) tìm đến nơi màu nhiệm về mà đào tạo ra học trò để làm việc vẻ vang cho nòi giống. Trái lại, bụng không một hạt gạo mà nói chuyện thi thư (1), tay không nửa đồng mà tự xưng Khổng Mạnh. Có lẽ da thịt huyết tuỷ của người nước mình mấy ngàn năm nay đã bị cái hấp lực của huyết dẫn người Tàu chi phối hết cả, nên ngày nay đành làm nộm rối cho người Tàu mà không tự biết chăng? Không thế thì sao lửa đốt bên da mà không biết nóng, sét đánh ngang trán mà không biết sợ, thày hay bạn giỏi ở một bên mà không biết gắng sức bắt chước bước theo. Thậm nữa trằn trọc tráo trở, một hai toan tìm một nước thứ ba nào yêu thương mình mà vui lòng làm tôi làm tớ.
    Hiện trong lúc ngủ say mới tỉnh, xu hướng chưa định, học mới học cũ ngả đường phân chia công hội thương hội chương trình chưa nên, thành hiện ra một cái quái tượng, đầy nhà rối rít ồn ào, chưa giải quyết vội được.

(1)   Nghĩa gốc: Kinh Thi và Kinh Thư. Ở đây chỉ việc học hành ở trình độ cao 

 Phan Châu Trinh
 Hiện trạng vấn đề, 1907

Tuỳ tiện cẩu thả trong giao lưu tiếp xúc
   Xét nước ta các đời thụ phong Trung quốc chỉ là chính sách ngoại giao cho nên coi là trò chơi, không coi là vẻ vang.
       Kẻ lấy Trung quốc làm ỷ lại, ắt là vào thời cuối (1): vua nhác, tôi nịnh, binh bị không sửa sang, coi họ như cha mà quên điều nanh ác. Thời cuối các đời Trần, Lê đều có, mà triều ta (2) lại càng nhiều.
      Sứ thần ngày xưa làm nhục được người Trung quốc coi như vinh dự. Những kẻ đi việc sứ đời sau lấy việc được một bài thơ, bài văn, một lời than tiếng cười của sĩ phu Trung quốc trở về để khoe khoang với bạn bè làm vẻ vang.
      Mặt này lại là một điều suy sút của sĩ phu nước ta.

(1) tức giai đoạn suy tàn của một triều đại
(2) triều ta đây tức là nhà Nguyễn
 Phan Châu Trinh
 Nước Việt Nam mới sau khi Pháp Việt liên hiệp,1912

Sang đến xứ người
cũng không biết đường học hỏi 
    
     Người nước ta thường tự xưng là đồng loại, đồng đạo, đồng văn (1) với Nhật Bản, thấy họ tiến  thì nức nở khen, chứ không khi nào chịu xét vì sao họ được tiến tới như thế ? Họ chỉ đóng tàu đúc súng mà được giàu mạnh  hay họ còn trau dồi đạo đức sửa đổi  luân lý mới được như ngày nay ?
      Tôi rất lấy làm lạ cho những người đã qua Nhật về, không đem cái hay cái tốt về cho dân nhờ  mà chỉ làm giàu thêm tính nô lệ !
       Hay là người  mình như kẻ đã hư phổi rồi cho nên một nơi có thanh khí như nước Nhật mà cũng không thở nổi chăng ?!
       Lấy lịch sử mà  nói thì dân tộc Việt Nam  không phải là không thông minh, thế thì vì lẽ nào ở dưới quyền bảo hộ hơn 60 năm nay (2) mà vẫn còn mê mê muội muội  bịt mắt vít tai  không  chịu xem xét không chịu học hỏi lấy  cái hay cái khéo của người. 

(1) cùng theo đạo Khổng cùng sử dụng chữ Hán
(2)  tính tới thời điểm  tác giả nói trong bài này, nước Pháp mới đô hộ nước ta 60 năm 
                                                                           
                                                                                                      
                                                                            Phan Châu Trinh
 Đạo đức và luân lý Đông Tây, 1925      

Dễ ỷ lại
   Tục ngữ có câu rằng Tháp đổ đã có Ngô xây Việc gì vợ goá lo ngày lo đêm. Tháp đó là tháp của ta, ta không xây được hay sao? Nghểnh đầu nghểnh cổ trông ngóng, nếu Ngô không sang thì vạn tuế thiên thu chắc không bao giờ có tháp. Tháp đổ mặc tháp, khoanh tay đứng dòm, nghiễm nhiên một đống bồ nhìn rồi hẳn. Hỏi vì cơn cớ làm sao? Thì chỉ vì ỷ lại.
   
Phan Bội Châu
 Cao đẳng quốc dân,1928

Thạo sử người hơn sử mình
      Sĩ tử khắp nước ta làu thông kinh sách mà không biết đất đai của nước ta và nòi giống dân ta như thế nào.
       Họ chỉ biết Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông mà không biết Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ ra làm sao.
        Họ chỉ biết Khổng Minh, Địch Nhân Kiệt, mà không biết các bề tôi Tô Hiến Thành, Trần Quốc Tuấn thờ vua giúp nước như thế nào.
       Họ chỉ biết núi Thái Sơn cao chót vót, sông Hoàng Hà cao thăm thẳm, nhưng không hề hay biết núi Tản Viên từ đâu tới, sông Cửu Long ở Nam Kỳ phát nguyên từ nơi nào.
      Ưa chuộng phong tục nước ngoài cho nên bao nhiêu nghi lễ về quan hôn tang tế (1), chúng ta đều bắt chước người Trung Hoa cả.
        Người nước ta lại còn lấy kỹ nghệ nước ngoài làm ưa thích. Đã không chịu học hỏi cách biến chế, óc sáng kiến của họ, mà lại đi tiêu thụ hàng hoá giúp cho họ. Đa số những vật liệu như đồ sứ hàng tơ lụa, hàng thêu, hàng đoạn (2) , chúng ta đều đi mua sắm từ bên Trung quốc về dùng. Rồi dần dà lâu ngày, linh hồn của dân ta tự nhiên bị đổi dời, trí não của dân ta tự nhiên bị bưng bít mà ta không hề biết, chỉ vì cái cớ chúng ta chuyên trọng Bắc sử (3) mà thôi.

(1)   Các việc thuộc về đình đám, ma chay, cưới xin v..v..
(2)   Hàng dệt bằng tơ, mặt bóng mịn
(3)   Tức lịch sử Trung Hoa
 Hoàng Cao Khải
 Việt sử yếu, 1914

Học đòi làm dáng một cách sống sượng
      Cứ chiều đến, độ sáu bảy giờ, đứng ở góc hồ Hoàn Kiếm, trông kẻ đi qua người đi lại, thấy ngứa mắt quá. Nhất là trông mấy ông ăn mặc quần áo Tây. Gớm sao mà khéo bắt chước, giá sử sự học hành, sự buôn bán mà cũng bắt chước được khéo thế thì hay quá! Ông cổ cồn trắng, cổ nút xanh, nút đỏ, đầu thì mũ cỏ, tay thì ba toong, giày thì bóng nhoáng, hai ngón tay thì khéo gẩy gẩy cái nách áo gi-lê. Ông ngồi xe thực khéo lấy dáng. Ngày xưa cái ô lục soạn, cái điếu thuốc lá bọt. Nay những cái ấy đã cho là đồ cũ rồi. Cái xe Nhật Bản bây giờ cũng bỏ. Bây giờ có xe cao su, êm hơn mà ngồi ưỡn ra bệ vệ hơn nhiều. Tay cầm quyển sách hay là cái nhật trình (1), mắt giả lờ trông thì lại ra tuồng (2) nữa.
     Em (3) thực là người hiếu (4) sự duy tân. Cách ăn mặc An Nam đội cái khăn bằng cái rế, búi tóc như quả bưởi, áo lướt tha lướt thướt, giày lẹp cà lẹp kẹp, móng tay gãi đầu như người rũ chiếu, thì cũng bẩn lắm thực. Em cũng muốn rằng người An Nam ăn mặc cho gọn gàng sạch sẽ diện mạo tinh nhanh, nhưng mà thấy những trò sài sơn (5) của các ông cũng ngứa mắt lắm.

(1)               báo ra hàng ngày
(2)    trông có vẻ phường tuồng
(3)   bài này in trong mục Nhời đàn bà của Đăng cổ tùng báo, ký Đào Thị Loan nên tác
giả xưng em
(4)    ưa thích
 (5) chúng tôi chưa tra cứu được chỉ đóan là  làm dáng ăn diện
 Nguyễn Văn Vĩnh
 Đăng cổ tùng báo, 1907

Thị hiếu tầm thường
       Cái lý thú của nước Nam ta nhỏ mọn lắm.
       Kìa cái đồng hồ từ tám mươi đời thì quấn vải tây điều, kết quả găng. Nọ núi non bộ khéo chắp tỉ mỉ trong trồng cây uốn con phượng. Cầu quán con con, thuyền bé lí tí. Câu đối với tranh thì hết tứ thời phong cảnh lại đến thiên lý giang sơn.
       Thi hoạ nhỏ nhen, thi chẳng ra thi hoạ chẳng ra hoạ.
        Giang sơn treo cửa sổ, sơn thuỷ để đầu giường. Hoành phi câu đối thì chữ nghĩa đẹp phẩy mác hơn đẹp ý tình (1). Đồ chạm đồ cẩn thì tỉ mỉ con dơi già quả mướp non, người ngoại quốc mua cho cũng là thương công hơn trọng khéo. Ghế giường bàn tủ dáng dấp nặng nề.
       Nói tóm lại thì người Nam mình chưa cái gì là cái khéo. Mà càng bắt chước Tây bắt chước Tàu bao nhiêu, càng xấu bấy nhiêu.
        Người mỗi ngày một hay, vi xảo là thông ngôn ông Tạo hoá (2). Ta mỗi ngày một đổ (3), vi xảo là cơn hứng chí điên cuồng. Học chẳng phải mà bắt chước chẳng phải.
        Xảo nghệ muốn noi theo ngoại quốc, là phải noi lý tưởng chớ không nên bắt chước phù hoa. Kẻo mà khéo thêm ra chẳng thấy đâu, lại đang nghề nguyên lành hoá nghề lang lố (4).

(1)   phẩy mác là tên gọi các nét trong chữ Hán.
(2)   vi xảo: sự kỹ lưỡng khéo léo; cả câu ý nói sự hoàn chỉnh của sản vật đạt đến mức như là tự nhiên sinh ra đã vậy.
(3)    kém đi, hỏng đi
(4)   Nghĩa như nhố nhăng
 Nguyễn Văn Vĩnh
 Đăng cổ tùng báo, 1907

Vay mượn tuỳ tiện
thêm thắt lung tung  
      Ngày nay có cải lương (1) gì, thì chỉ sợ rằng trái đạo lý cũ của mình.
         Đạo lý cũ của mình là thế nào có ai biết đâu? Con khóc cha mà cúng phải tìm trong Thọ mai gia lễ hay là Văn công gia lễ, xem ngày xưa ở bên Tàu các ông ấy khóc cha ra làm sao, thì cứ thế mà khóc.
         Gián hoặc (2) trong hai cách có điều gì khác nhau thì cũng biết vậy, lúc túng việc thì vớ được quyển nào theo quyển ấy. Gọi là cho nó theo một lệ nào đó, thì là nhà văn phép.
         Trong cả các trò chơi, như hát tuồng, hát chèo cũng hay bắt chước những cách vô lý.
        Tấn tuồng thì lấy trong các sự tích của Tàu, mà lúc ra hát thì quên cả đến thời đến xứ (3). Cứ nhân chỗ nào hát được mấy câu nam thì nam (4) cho mấy câu. Chỗ nào có dịp khôi hài thì khôi hài. Thấy người xem có mấy người dễ cười, thì làm mãi.

(1)               cũng tức là cải cách
(2)                thỉnh thoảng, giá như
(3)               thời ở đây tức niên đại thời gian, xứ tức hoàn cảnh không gian
(4)               nam: vốn được hiểu là những gì mang tính cách thuần Việt. Đọc chệch thành nôm. Chữ nam thứ hai thì dùng như một động từ

 Nguyễn Văn Vĩnh
 Tật huyền hồ sáo hủ, Đông dương tạp chí,1913

Học không biết cách
      Về đạo cương thường cứ nói rằng ta thâm nhiễm (1) của Tàu nhiều lắm rồi, nhưng tôi xét ra chưa có điều gì gọi là thâm nhiễm cả.
        Trong hết cả số người theo Nho học thì hoạ là có mấy ông vào bực giỏi, hiểu biết được đạo Khổng Mạnh. Còn những bực nhoàng nhoàng thì thường cứ thấy người ta học cũng học, học cho thuộc cách mà thôi, chứ không có định trong bụng rằng theo những điều nào, kháp (2) đạo ấy vào tính tình riêng của người nước mình nó ra sao...
        Vua Gia Long bỏ luật Hồng Đức (3) đi, mà làm ra cả một pho luật mới chép tuốt cả của Tàu, cả từ điều nước mình có, cho đến những điều mình không có, cũng bắt chước. Thành ra luật pháp cũng hồ đồ. Cương thường đạo lý toàn là giả dối hết cả, không có điều gì là có kinh có điển.

(1)                ảnh hưởng sâu sắc
(2)                tức khớp, ghép lại cho khít, cho phù hợp
(3)               bộ luật cổ của nước ta có từ thời Lê, tham khảo nhiều từ bộ luật của đời Đường

 Nguyễn Văn Vĩnh
 Đông dương tạp chí, 1913

Học đòi vặt vãnh
bỏ qua chuyện lớn

      Quái lạ cho người đời, hễ ai bảo cải lương lối nhà cửa ở, hay là cải lương ách ăn mặc bắt chước theo lối Âu Tây, thời đua nhau như vịt; còn nhỡ ai khuyên bảo nên cải lương những thói xấu nết hư -- chốn hương thôn không nên tranh giành kiện tụng nhau, ở với bè bạn thời phải giữ lòng trung tín --   thời dẫu nói rát cổ bỏng họng cũng chỉ lờ đi, chớ không thèm nghe.
                                                                                               Nguyễn Bá Học
                                                                 Di ngôn, do Nguyễn Bá Trác thuật, Nam Phong, 1921

Nặng tính hiếu kỳ
    Cái tính hiếu kỳ  là cái bệnh chung  trong lối học của ta, xưa kia học chữ Tàu, đọc sách Tàu, lâu dần quá mê chuộng  mà khinh rẻ những cái của mình.
       Cái gì của Tàu cũng cho là hơn mà chịu khó nghiên cứu, cái gì của mình  cũng cho là dở là kém không thèm nhìn tới.
        Thành ra núi sông đình miếu  nước Tàu thì biết  mà núi sông đình miếu nước mình thời không hay; danh lam thắng tích bên Tàu thì rõ mà danh lam thắng tích nước mình thì không tường; lịch sử địa dư nước Tàu thì thiệp liệp (1), mà lịch sử địa dư nước mình  thời mịt mù; phong tục nhân vật nước Tàu thời tường tất  mà phong tục nhân vật nước mình thời tối tăm.
         Mà có phải mình thiếu gì cái  đẹp cái hay, cái đáng ngắm

(1) cũng  có hiểu ít nhiều
                                                                                                 Dương Quảng Hàm
                                                          Học sao cho phải đường, Hữu thanh, 1921


Không có can đảm là mình
      Ông Dorgelès trong quyển Con đường cái quan có nói đến thói hay bắt chước của người mình. Đại khái ông nói rằng: “Ngày xưa người Tàu sang cai trị An Nam, người An Nam đều nhất nhất theo Tàu cả. Nay người Pháp sang bảo hộ mới được gần một trăm năm mà nhà cửa đã theo Tây thời rất dễ dàng, mà nói đến tiếng An Nam thời khô khan, hình như phải dịch tiếng mình ra tiếng nước ngoài.
  ... Khoa học có nói rằng giống thằn lằn hễ bám vào cây nào thì lâu dần sẽ giống da cây ấy. Ở bên An Nam này thời không thế, thằn lằn không đổi màu da mà chính cây đổi màu da để lấy màu da thằn lằn.”
    Câu nói đau đớn thay mà xét người ta nói cũng phải.
    Người viết văn phải có can đảm mà dịch những chữ nước ngoài ra. Mới đầu có hơi ngang tai, sau dần rồi cũng nghe được. Cụ Nguyễn Du không can đảm sao dịch nổi chữ tang thương ra chữ bể dâu, chữ thiết diện ra chữ mặt sắt (1)...
      Mà cũng lạ thay cho người mình không suy xét kỹ: Người Tàu nói chữ vân cẩu tang thương có khác gì chữ mây chó chữ bể dâu không. Ấy thế mà giá mình nói “Bức tranh mây chó vẽ người bể dâu” (2) tất phần nhiều người cho là mách qué!
    Người Tàu trước kia làm gì có những tiếng cộng hoà, cách mạng, cá nhân, vật lý học, kỷ hà học (3)... Vì lòng sốt sắng làm cho tiếng nước nhà giàu thêm lên, nên họ không ngại khó, rồi mới đặt ra được cái tiếng ấy.
       Người mình thì không thế. Muốn dịch một chữ Pháp hay chữ Anh ra tiếng nước nhà mà không dịch nổi, thì cứ việc mở ngay tự vị (4) Tàu ra, trong ấy đã sẵn sàng cả rồi. Dù người Tàu có dịch sai chăng nữa cũng mặc cứ cắm đầu cắm cổ mà chép, ai biết đến đó mà lo.

 (1) Hai câu nguyên văn trong Truyện Kiều: Trải qua một cuộc bể dâu Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình
(2) Một câu trong Cung oán ngâm khúc: Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương
(3) Tức hình học
(4) Tức từ điển
 Nguyễn Duy Thanh
                                                Muốn cho tiếng An Nam giàu, Phụ nữ tân văn, 1929

Bắt chước không phải lối
     Tính bắt chước vốn là tính tự nhiên của loài người, dẫu ở nước nào cũng thế cả. Nhưng giá ta có sẵn cái tinh thần tốt rồi chỉ bắt chước lấy những điều có bổ ích thêm cho tinh thần ấy thì thật là hay lắm. Chỉ hiềm vì mình để cái tinh thần của mình hư hỏng đi, mà lại mong bắt chước sự hành động của người ta thì sự bắt chước ấy lại làm cho mình dở hơn nữa.
    Vì đã gọi bắt chước là chỉ bắt chước được cái hình hài bề ngoài mà thôi còn cái tinh thần ở trong, phi(1) lâu ngày nhiễm (2) lấy được mà hoá (3) đi thì khó lòng mà bắt chước được. Thành thử bao nhiêu những sự bắt chước của mình chỉ là làm loạn cả tính tình tư tưởng và phong tục của mình.
     Có lắm người vọng tưởng (4) rằng mình cố bắt chước được người ngoài là mình làm điều có ích cho sự tiến hoá của nòi giống. Không ngờ rằng sự bắt chước vội vàng quá lại thành cái độc gây ra các thứ bệnh cho xã hội. Mà sự lầm lỗi ấy chỉ mỗi ngày một thêm ra chứ không bớt đi được.

 (1) không phải
 (2) thâm nhập
 (3) thay đổi. Từ điển Hán Việt của Thiều Chửu ghi: phàm vật này mất đi mà vật kia sinh ra gọi là hoá
 (4) nghĩ lầm

 Trần Trọng Kim
 Nho giáo, 1930
Óc sùng ngoại nặng nề
     Anh thợ vẽ cầm lấy cái bút là vẽ ngay phong cảnh Cô tô thành ngoại Hàn Sơn tự; thầy đồ cầm đến cái bút là tả ngay lịch sử Hán Cao Tổ Trương Lương Hàn Tín; anh phường tuồng ra trò là diễn ngay tấn Lưu Bị Quan Vũ Trương Phi.
      Thổ sản thổ hoá (1) mà hễ cái gì tồi thì cho một tiếng “nam “vào để giễu, như cái áo tơi gọi là áo cừu nam sột soạt, anh chàng dở người mà hay bàn thời thế họ gọi là Gia Cát nam. Cái gì tốt thì cho một tiếng “tàu “vào để khen, như măng khô gọi là măng tàu.
       Ấy cũng vì tư tưởng đã thiên di (2)như thế mà những nhà chế tạo nội hoá rất khốn khổ, đồ tốt không bán được phải thất nghiệp, mà những đồ thô bỉ tầm thường thì may còn ngoi ngóp sống để kiếm ăn với những người quê mùa nghèo khó.

(1)   hàng trong nước làm ra
(2)   biến chuyển

 Nguyễn Trọng Thuật
 Điều đình cái án quốc học, Nam Phong, 1931


   Khi  học hỏi người, thường thiếu  tự tin
    Cách học muốn cho bằng người  thì phải biến hoá khác đi. Nay cứ toàn mô phỏng, thấy không thể theo cho bằng được, bèn sinh lòng tự tiện (1), là mình tự khinh cái tài của mình; tự tiện quá rồi tự khí (2) tự bỏ cái tài của mình, cho mình là đồ bỏ.
     Mà đồ bỏ thật, vì học không có cái gì dùng được như mẫu của người.
     Cũng vì thế mà bao nhiêu cái hay không còn gì nữa.
       Trước khi vì học thuật nước nhà mà hy vọng, ta phải hết sức từ bỏ cái căn bệnh cẩu thả, cái tính tự tiện tự khí. Không thì về xã hội  lại cứ lười biếng a dua  không suy xét lựa chọn, không có cái tinh thần tự giác tự tin. Về kẻ học giả lại cứ tham cận lợi (3), nhai văn nuốt chữ, lấy học đường của nước văn minh làm con đường tắt hiển vinh, học đến bao giờ cũng chung vô sở đắc  (4).  
                                                                            
(1)  tự tiện đây là tự coi rẻ mình coi mình là hèn;  khác với  tự tiện có  nghĩa làm theo ý thích hiện nay hay dùng
(2 ) tự làm hỏng mình
(3) lợi ích trước mắt
(4) cuối cùng vẫn không có gì là của riêng mình  
                                                                                   Nguyễn Trọng Thuật
                                                                                       Điều đình cái án quốc học, 1931



Chỉ biết học cái bề ngoài
     Người mình vốn có cái thiên tính dễ đồng hoá, nghĩa là có tư cách(1), dễ am hiểu dễ thu nạp lấy những gì khác lạ với mình, dễ đem những điều hay điều dở của người ngoài mà hoá làm của mình.
       Nhưng cái tài đồng hoá đó thường thường chỉ là cái khoé tinh (2), biết xem xét và bắt chước của người, phảng phất ở bề ngoài, chứ không thấu triệt được đến chỗ căn để (3), chỗ tinh tuý.
     Tỉ như thợ An Nam thì phỏng chép tài lắm; những hình dáng kỳ đến đâu, những kiểu cách lạ đến đâu, họ bắt chước cũng được như hệt cả.
       Cái cách đồng hoá dễ dàng thô thiển đó thiết tưởng không phải là cái tính tốt.
       Như học trò ta học rất mau, nhớ cũng rất mau, nhưng chưa chắc đã hiểu được thấu, đã hoá được hẳn những cái người ta dạy mình, và chưa chắc cái học tiếp thu được dễ dàng như vậy nó đã làm cho óc được khôn ra, người được chín ra chút nào.
       Có những người mặc thì mặc theo đúng mốt tối tân ở Paris, nói năng ba hoa đi đứng đường đột; bề ngoài như vậy mà bề trong nghị luận mơ hồ, tư tưởng lộn xộn, không có thống hệ (4), không biết bắt chước lấy cái lối nói năng gãy gọn, biện lẽ phân minh như người Tây phương.

(1) nghĩa cũ: tài lực trình độ khả năng
(2) mánh khóe ranh ma
(3) gốc rễ
(4) ngày nay hay nói ngược lại: hệ thống
 Phạm Quỳnh
 Giải nghĩa đồng hoá, Nam Phong, 1931


                                                                              

Không có thì giờ lo đến văn hoá,
đành đi vay mượn
    Cả cuộc lịch sử của nước Nam là một cuộc chiến đấu vô hồi vô hạn đối với người Tàu hoặc bằng võ lực, hoặc bằng  ngoại giao, hằng ngày chỉ nơm nớp sợ bị nội thuộc lần nữa. Cái công của các tiên dân ta chống giữ cho non sông đất nước nhà, can đảm vô cùng, kiên nhẫn vô cùng, thật đáng cảm phục.
     Nhưng cả tinh lực trong nước đều chuyên chú về một việc cạnh tranh để sinh tồn đó, cạnh tranh với một kẻ cường lân (1) hằng ngày nó đàn áp, để cố sinh tồn cho ra một nước độc lập, còn có thì giờ đâu, còn có dư sức đâu mà nghĩ đến việc khác nữa.
       Cái quan niệm quốc gia bị nguy hiểm luôn nên thường lo sợ luôn chiếm mất cả tâm tư trí lự, không còn để thừa chỗ cho những quan niệm khác về văn hoá về mỹ thuật.
       Nói riêng về học thuật  thì đã sẵn cái học của Tàu đó, tiêm nhiễm vào sâu từ thuở mới thành dân thành nước, không thể tưởng tượng được rằng ngoài sách vở của thánh hiền  còn có nghĩa lý (2) gì khác.
 (1)kẻ hàng xóm mạnh
 (2)Cái lý thuyết  phải theo

                                                                                                             Phạm Quỳnh
                                                                                                  Bàn về quốc học, 1931

Tâm lý ỷ lại, chịu  làm học trò suốt đời 
    Địa lý lịch sử, chính trị  đều như hiệp sức nhau lại  mà gây cho nước ta  một cái tình thế rất bất lợi cho sự học vấn tư tưởng. Bao nhiêu những người khá trong nước  đều bị cái tình  thế ấy nó áp bách  trong mấy mươi đời  nên dần dần lập  thành một cái tâm lý riêng, là cái tâm lý ỷ lại vào người  chứ không dám tự lập một mình ; trong việc học vấn  thì cái tâm lý ấy là tâm lý làm học trò suốt đời.
      Nước ta  ở ngay cạnh nách nước Tàu, từ hồi ấu trĩ cho đến lúc trưởng thành  đều nấp  bóng nước Tàu  mà sinh trưởng, khác nào như  một cái cây  nhỏ mọc bên một cái cây lớn, bị nó “ cớm “  không thể nào nẩy nở lên được.
Phạm Quỳnh
                                                                                                  Bàn về quốc học,1931

Học người  cũng không xong
       Phàm phóng chép (1) của người chỉ phóng chép được những cái thô thiển trước, còn đến cái tinh tuý thì phải công phu lắm mới nhập diệu (2) được.
       Thử xét trong những kẻ tự xưng là hạng tân tiến (3), mấy người đã học được đến nơi đến chốn? Mấy người có thể đối đáp nghị luận với tây, nói những chuyện văn chương mỹ thuật, chính trị triết học mà người ta phải chịu phải phục? Hay là phần nhiều chỉ mới học mót được mấy câu văn sáo đã đem ra mà huyễn diệu (4) đồng bào?
       Ấy là không nói những kẻ học chữ tây cũng còn chửa thông, nói một câu không khỏi sai mẹo, mà cũng làm ra mặt thông thạo các lối văn minh mới, nhất thiết tự xưng là duy tân cả, coi văn hoá cũ của nước nhà như cỏ rác hết.
        Tưởng học được của người những gì hoá ra chỉ học được những thói tự do rởm, bình đẳng xằng, những cách du đãng phóng túng với cái tính khinh bạc ngạo mạn mà thôi.
         Lắm lúc trông thấy cái kết quả bất lương đó mà ngờ rằng nếu học tây mà đến thế thì thà không học nữa còn hơn.
       Cái học kia làm cho người ta nước giàu dân mạnh của khéo người khôn, có đâu lại tạo ra những cái quái vật như vậy?!
      Hay mình như cái đất xấu, hạt giống tốt trồng vào rồi mọc lên cũng thành ra cằn cọc?

(1) bắt chước
(2) đi tới cái thần khí sâu xa của sự việc
(3) tức hạng hướng sự học sang Tây phương, hồi đầu thế kỷ XX
(4) khoe khoang (với ai đó)
 Phạm Quỳnh
 Phong hoá suy đồi, Nam Phong, 1932


Chưa biết trở thành chính mình  
      Tôi không nhớ vị giáo sư Pháp nào, ở lâu năm bên ta, đã nói: “Những thanh niên Việt Nam đào tạo ở trường học mới, không có một tinh thần sáng tạo chắc chắn ”.
         Lời bình phẩm có vẻ vội vàng gắt gao, nhưng không phải là không có một phần sự thực.
       Vì sự thực cái bệnh ỷ lại là bệnh của ta và đã ăn sâu vào trong xương tuỷ người nước ta, cơ hồ không gột rửa được nữa.
       Không phải bây giờ mà từ bao giờ, không phải ở trong văn chương mà ở khắp các địa hạt, người Việt Nam đã tỏ ra mình là một giống người sống một cách lười biếng và cẩu thả.(...). Cẩu thả và biếng nhác trong sự ăn, sự mặc, sự ở, nhất là trong sự phô diễn tư tưởng.
         Tự ta, ta không hề cố gắng và tạo tác ra một cái gì hoàn toàn của ta; ta chỉ muốn hưởng thụ những của sẵn và cam tâm làm kiếp con ve của thơ ngụ ngôn (1).
         Ta đã vay mượn của người hàng xóm từ một điệu thơ nhỏ nhặt đến một đạo lý cao xa. Hồi xưa kia chúng ta là những người Tàu, gần đây chúng ta là những người Tây, chưa có một lúc nào chúng ta là những người Việt Nam cả.

(1)   ý muốn nói vui chơi ca hát, không biết tính xa, và sẵn sàng vay mượn để sống qua ngày. Lấy tích từ bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine Con ve và con kiến, bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh.

 Lưu Trọng Lư
 Một nền văn chương Việt Nam, Tao đàn 1939


Hợm hĩnh quá đáng
      Một vài ông vua nước Nam đã làm cho thần dân của các ngài tưởng lầm rằng văn học nước mình cũng ngang hàng với Trung quốc. Sự thác giác (1) ấy làm hại cho quốc dân từ lâu nay, cái hại chẳng phải nhỏ.
      Lê Thánh Tôn phê bình hai câu thơ của Thân Nhân Trung quan đại học sĩ tại triều mình Quỳnh đảo mộng tàn xuân vạn cảnh - Hàn giang thi lạc dạ tam canh hợm hĩnh cho rằng dù Lý Bạch, Đỗ Phủ, Âu Dương Tu, Tô Thức (2)… cũng vị tất đã nghĩ được ra.
      Gần này người ta còn truyền tụng hai câu thơ phê bình thi văn bản triều (3): Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán -- Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường.
     Văn học chữ Hán đến triều Nguyễn đáng gọi là thịnh hơn các triều khác; nhưng nếu bảo vượt qua cả Hán Đường thì quá lố!
     Những lời tự khoe ấy cần phải cải chánh.

(1) lầm tưởng
(2) các thi hào nổi tiếng trong lịch sử văn học Trung quốc.
(3) tức triều Nguyễn

 Phan Khôi
 Khái luận về văn học chữ Hán ở nước ta,Tao đàn,1939


Trì trệ và bất lực
     Bị ý thức hệ nho giáo bảo thủ lung lạc, bị nguỵ thuyết của bọn Tống nho đưa lạc nẻo, bị chế độ thi cử chi phối, đẳng cấp nho sĩ Việt Nam không còn một chút hoạt lực (1) nào, không còn được một tính cách cấp tiến nào nữa.
      Bởi vậy họ đã chống tiến hoá chống cải cách.
       Phụ hoạ với triều đình, họ đã lấy cái học bã giả (2) của Tống nho dựng một bức trường thành ngăn các trào lưu triết học khác không cho tràn tới địa hạt tri thức do họ giữ đặc quyền.
       Thiếu độc lập về tư tưởng, hoàn toàn phục tùng cổ nhân Trung Hoa về cả mặt tình cảm, quá câu nệ về hình thức thơ Tàu, -- đẳng cấp nho sĩ Việt nam chỉ sản xuất ra được những lối thơ nghèo nàn. Nhiều tập thơ mài giũa công phu nhưng không chút sinh khí.
       Qua ngay hình thức của thơ, ta cũng thấy rõ tinh thần bảo thủ của đẳng cấp nho sĩ, và sự bất lực của đẳng cấp này trong mọi công cuộc sáng tạo xã hội có tính chất cấp tiến.

(1) sức sống
(2)điều ai cũng biết.

 Lương Đức Thiệp
 Việt Nam tiến hoá sử,1944
Thoả mãn  với việc
mô phỏng bắt chước
     Vô luận là vấn đề gì,  về quốc kế hay dân sinh cũng như về luân lý hay triết lý, kẻ sĩ nước ta  đều thấy các thánh hiền  Trung quốc giải quyết sẵn cho mình  rồi, cái công phu của mình  chỉ là thuật lại để thực hành cho xứng đáng chứ không cần phải sửa chữa thêm bớt chút gì.
      Trái lại cái gì của Trung quốc có vẻ vĩ đại hay cao siêu quá, thì chúng ta lại phải hãm  lại  cô lại cho vừa  với kích thước khuôn khổ của chúng ta.
       Bởi thế chính  trong thời kỳ toàn thịnh của nho học nước ta, người ta thấy  có những nhà nho kinh luân như Tô Hiến Thành,  nhà nho anh hùng như Trần Quốc Tuấn, nhà nho cao khiết như Chu An,  nhà nho khẳng khái như Nguyễn Trãi, mà  tuyệt nhiên vẫn không thấy một nhà tư tưởng một nhà triết học nào.
      Chúng ta chỉ có những nhà  nho lao tâm khổ tứ  để bắt chước thánh hiền  mà cư xử  và hành động cho hợp với  đạo lý  chứ không có  nhà nho nào dám hoài nghi bất mãn với đạo lý xưa  mà băn khoăn  khao khát đi tìm  đạo lý mới.

Đào Duy Anh
Việt nam văn hóa sử đại cương * 1950
 *Đây là bộ sách Đào Duy Anh viết ở Thanh Hóa những năm kháng chiến chông Phap. Không phải Việt nam văn hóa sử cương 1938     

Nền văn hoá của kẻ yếu
     Hình như sống dưới cái bóng của cái khối văn hoá Trung quốc, sừng sững ở bên mình như cả núi Thái Sơn, văn hoá chúng ta chỉ cố sức để man diên (1) ở trên mặt đất chứ không có cái khuynh hướng trổ vọt lên trời.
      Để sống còn, chúng ta chỉ cốt bám chặt lấy đất như bám lấy cái nguồn sinh khí.
      Cho nên chúng ta không có cái vinh dự là có những tổ tiên chọc trời khuấy nước, làm chấn động thế giới bằng những tư tưởng hay hành động, nhưng chúng ta lại đã may mắn có được những tổ tiên cần cù, kiên nhẫn biết sống thiết thực và biết tổ chức cuộc sống một cách thích đáng để đối phó với vận mệnh khắc nghiệt của mình.
      Cái giá trị tranh đấu chúng ta nhận thấy trong cái tính chất thiết thực ấy lại tuồng như chỉ là tiêu cực.
      Ngay trong văn hoá bình dân, cái văn hoá phát triển ở ngoài phạm vi ảnh hưởng trực tiếp của Hán hoá, tuy có lộ rõ cái tinh thần chống đối luân lý lễ giáo của nhà nho, thế mà cũng chỉ là sự chống đối của kẻ yếu.
      Có những người sau khi làm tròn phận sự một người quân tử ở đời thì rũ sạch nợ trần đi tìm nhàn hạ ở nơi thôn dã, hay có người bất bình với thời thế khiến mình không thể làm tròn phận sự được mà đi tìm an ủi ở sơn lâm.
     Nhưng thảy đều là những người chỉ cầu tự nhiên cấp cho những thú thanh cao để di dưỡng tính tình mệt mỏi, chứ không ai dám đem tâm trí mà tìm tòi mà tra hỏi tự nhiên.

 (1)  bò lan như cây cỏ

 Đào Duy Anh
 Việt Nam văn hoá sử đại cương, 1950
Mới hơn Cũ hơn