VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Đi tới cùng của hỗn độn sẽ gặp hư vô


Cách hiểu về hư vô từ một câu chuyện cổ
Trong các các bài khóa đọc trong sách Quốc văn giáo khoa thư học hồi nhỏ, tôi nhớ có câu chuyện kể một người đi đôi giày mới vào thành phố. Ban đầu, người đó giữ gìn rất cẩn thận. Nhưng đến quãng nọ, chợt có một bãi lầy, người đó không tránh kịp, giày sinh bẩn. Nhân đó, người có giày đâm liều lĩnh, không còn kiêng dè gì nữa, có lúc thục chân trong bùn.
Có thể bắt đầu từ câu chuyện trên để hình dung sơ bộ về chủ nghĩa hư vô. Hư vô nói ở đây không phải là một luận giải triết học mà chỉ là câu chuyện của niềm tin và cung cách cư xử trong đời sống hàng ngày. Tinh thần hư vô cổ dạy người ta vô vi, siêu thoát, không làm gì hết, chủ nghĩa hư vô hiện đại thì biện minh cho hành động, nhất là những hành động xấu. Đấy là khi con người không còn xác định nổi đâu là phải, đâu là trái nữa. Sự  lương thiện ban đầu đành từ bỏ. Tại hoàn cảnh thôi, tôi đã không giữ được sự tốt đẹp của tôi nữa, chứ lúc đầu, tôi có muốn thế đâu? Rút cục, mặc dù biết sục chân trong bùn là không nên, người ta vẫn tìm được cách để tự biện hộ.
Trong hoàn cảnh cụ thể của xã hội miền Nam 1954-1975, chủ nghĩa hư vô đã nảy sinh ra sao, quá trình diễn biến của nó, đặc điểm của nó ra sao -- chuyện khá dài dòng  đòi hỏi nhiều ngành khoa học cùng tiếp cận lý giải. Dừng lại ở một số quan sát sơ bộ, trong bài viết này, chúng tôi chỉ nói tới một vài khái cạnh của vấn đề, có liên quan tới đời sống văn học. Mà dù đã hạn chế như vậy, cũng còn là quá rộng. Văn học ở các thành thị miền Nam trước giải phóng bàng bạc một thứ chủ nghĩa hư vô nhẹ nhàng, không được nâng lên thành lý thuyết, song chính vì thế lại khó nhận diện. Bản thân người trong cuộc đôi lúc như lảng tránh, từ chối sự can thiệp của trí tuệ, không muốn vì cho là không thể dùng trí tuệ để hiểu điều gì hết. Trong hoàn cảnh đó, tinh thần hư vô càng ma mị biến hóa. Nó mang những đặc điểm chung của chủ nghĩa hư vô từ trước tới nay, đồng thời lại có những khía cạnh đặc thù mà chỉ ở miền Nam trước giải phóng, nó mới có một khuôn mặt như thế.

Sản phẩm phụ của thất bại
Dưới đầu đề Phố miền Nam, Nguỵ Ngữ (một cây bút trẻ thường có truyện đăng ở Văn, Vấn đề, trước 4/1975) có dựng lại một câu chuyện khá tiêu biểu: Một quán cà phê buồn bã, những người đến uống là một tốp lính ngán ngẩm tìm chốn mua vui mà không sao vui nổi. Tốp lính ngày một chết dần chết mòn. Ngay cái đơn vị mà họ sống cũng vậy, nó như một cơ thể đang thoái hoá:
Danh hiệu tiểu đoàn vẫn còn tiếng tăm thiện chiến vẫn còn, còn huy chương, còn áo quần lem luốc, còn trung tá thượng sĩ, còn tham dự hết trận này qua trận kia, còn được tuyên dương công trạng, nhưng thực ra, chẳng còn gì cả. Lính trẻ có đứa 17 tuổi, và bọn sĩ quan hầu hết đều trù bị, có thằng mới 20 tuổi… Bọn già mỏi mệt và bọn trẻ chán nản.
… Một mặt trận kinh hoàng đã qua, một đêm hiện tại tai ương không biết để làm gì và này mai chập chùng chết chóc như một chân trời tai ương đi hoài không hết… Chúng tôi có một xứ sở quê hương mịt mùng thuốc súng để chiến dấu, có một vốn liếng chung để chuyền nhau tiêu xài với đám gái : anh sẽ ra đi không mong ngày về… Ngay từ đầu, trong căn bản, sự chiến đấu của chúng tôi đã nuôi sẵn mầm mống thất bại.
Cảm hứng chính toát ra qua thiên truyện là nỗi cay đắng trước mọi bế tắc, bất lực.  Cuộc sống cứ như lả đi, người ta nhìn thấy hết mà chịu, không sao gượng dậy .
Hẳn Nguỵ Ngữ đã có tính toán khi đặt cho thiên truyện của mình cái tên Phố miền Nam. Có thể xem đó là một thứ bản vẽ thu nhỏ của xã hội Sài Gòn trước giải phóng, trong cả chiều rộng không gian lẫn chiều sâu thời gian.
Từ 1954 đến khoảng 1963-1963, bắt tay vào việc đắp điếm một xã hội vừa thoát thai từ vùng tạm chiếm của thực dân Pháp và mới hoàn hồn sau chiến tranh, nhiều người lòng còn đầy hy vọng. Một miền Nam độc lập, một miền Nam phồn vinh -- họ tự mê hoặc như vậy, cái mê hoặc của những người thoát chết. Dần dà vài năm sau, nỗi hoang mang mới len tới, hãi hùng như một cơn gió đen che mờ cả mặt mày. Cay đắng thấm vào từng lời, thất vọng nghẹn mãi trong họng, người ta gọi miền Nam là một quán bệnh, -- chữ của  Mai Thảo -- người ta nguyền rủa cái thực tế diễn ra trước mắt, mà lại dường như ma quái, ở ngoài tầm tay của mình, không thể nắm bắt, không thể điều khiển, thậm chí mình cắt nghĩa cho mình cũng không nổi nữa.
Khởi nguyên là hành động. Có thể dịch câu nói của Goethe thành ra cái ý: con người là hành động. Nhưng hành động thì cũng có thể thành công, mà cũng có thể thất bại. Từ xưa đến nay, gần như chưa bao giờ quan niệm hư vô lại dính liền với một người thành công. Mà dù lúc đầu họ có xa lánh, chối bỏ, thậm chí chẳng hiểu chủ nghĩa hư vô ra sao, thì tinh thần hư vô vẫn cứ xâm nhập vào họ, lặng lẽ, dần dà. Thực ra thì chính họ đã đẻ ra nó, rau nào sẽ nảy sâu ấy, nào phải ai gieo rắc gì nhiều. Trong sự cầm tù của chủ nghĩa hư vô -- chỉ cần thế thôi, có thể biết họ là người thất bại.
Vậy thì đối với mọi người, kể cả những kẻ nhẹ dạ vô tư nhất, ở miền Nam trước đây, quan niệm hư vô là một thứ điểm thu hút, một trạm dừng của tư tưởng. Tựa lưng vào văn hoá phương Tây, vận động theo một quan niệm duy lý thuần tuý, đôi lúc người ta thấy mình cũng làm được một cái gì đấy. Kiếm ra tiền bạc. Xây dựng thêm cửa nhà. Đi đây đi đó. Kịp đến khi nhìn ngay xuống chỗ đặt chân, thấy chiến tranh vẫn tiếp diễn, bi thảm ngày một kéo dài, thì mới thấy hình như không phải thế. Càng thành công, lại càng cảm thấy cái vực thẳm ghê gớm của thất bại. Cái phần không nắm được là bao la, so với cái phần cầm nắm trong tay. Sự đau đớn hôm qua, lúc còn chui nhủi trong các vùng tạm chiếm của Pháp, có những khía cạnh như là hợp lý của nó, ở trong bóng tối thì phải như vậy. Sự thất bại hôm nay mới thật cay đắng, bẽ bàng, hình như đã tiên liệu hết cả rồi, mà nó vẫn tới. Đã vận dụng đến mọi liệu pháp có được trong tay, đã tính toán thật chi li, đã làm hết sức mình, vậy mà vẫn thất bại. Trong sự tách rời ngày càng vô lý giữa thực trạng và ý nghĩa, giữa nguyên nhân và hậu quả, một khu đất tốt đã được chuẩn bị để chủ nghĩa hư vô tha hồ hoành hành. Không hư vô sao được, khi sống mà không thể dùng lương tri để xét đoán cuộc sống? Không hư vô sao được khi cảm thấy hoàn toàn mù loà tăm tối trên đường. Trong Chuyện tình người lỡ vận(Văn số 188), Tô Thuỳ Yên từng dựng lại cái tâm trạng rã rời đó.
Biết đã trễ nên không thèm hối hả.
Cuộc tình này như chút đỉnh khoan dung
Của định mệnh cũng có lần nới thả
Hạnh phúc này như sóng rã trên sông

Như yêu lại một người yêu thất tiết
Xót xa này chan đổ muối trong lòng
Đời lỡ vận một lần nên lỡ miết
Chí lớn đành đốn sập đốt ra than

Trong cái bối rối của thất bại, người ta tìm tới một trăm lý do khác nhau, mà lý do dễ kiếm nhất và có sức an ủi nhất là "lỡ vận." Nhưng bài thơ không dừng lại ở đấy. Sau khi cảm thấy như bị lừa, con người tiếp tục tự lừa mình, nạn nhân biến thành tội nhân, giả dối, trắng trợn.
Ta cứ coi em như hoàng hậu goá
Dẫu biết thừa em vốn gái lê dân
Còn ta đây: một vĩ nhân tàn tạ
Chẳng làm nên công nghiệp đáng lưu danh

Ta dắt em đi giữa ngày tháng rối
Như đôi dư hồn khất thực co ro
Cả xã hội bu quanh cười cợt hỏi
Em cứ sắm tuồng đi, ta nhắc cho

Em làm khôn còn ta ta giả dại
Ngày bồn chồn ngày, đêm khắc khoải đêm
Ta tủi thân thêm một lần vượt ải
Nghề ngông cuồng tập mãi cũng thành quen.

Chỉ cần một chút hư vô thôi, thì khả năng xói mòn của nó về các phương tiện lòng tin cũng như sức lực đã đủ làm hỏng người rồi, nữa đây lại là thứ hàng bày bán công khai, phạm vi gây độc của nó rộng rãi lắm.

Mất lòng tin, mất phương hướng
Thế giới hỗn tạp không sao phân biệt nổi đâu là chính đâu là tà. Những kẻ theo chính nghĩa bị lột mặt nạ. Cuộc đời này bị những kẻ xấu thao túng, chúng mặc sức hoành hành. Thất bại, những người tốt cũng không còn giữ được những gì tốt đẹp của mình nữa. Từ bỏ cuộc chơi là con đường còn lại với người từng trải.
Đó là những triết lý chính rút ra từ các bộ sách chưởng bán đầy ở Sài Gòn.
Nhưng đó lại là thứ thức ăn tinh thần phổ biến ở các thành thị miền Nam, từ người trí thức đến người bình dân đều đua nhau tìm đọc. Người mất lòng tin tìm đọc sách mất lòng tin. Tạng người như thế, thì cần thức ăn như thế,  không thể nào khác.
Qua các tiểu thuyết lớn của Dostoievski, chúng ta đều biết có một loại nhân vật rất thích thể nghiệm những cảm giác lạ, thích vạch trần mình trước mặt người khác,  chẳng những thích tra tấn, đánh phá tư tưởng người khác theo thói đời, mà còn -- với một tinh thần tỉnh táo đến lạnh buốt đi -- tìm thấy những sung sướng bệnh hoạn khi bị người khác tra tấn. Theo cái cách riêng của mình, nhiều người ở miền Nam hôm qua, cũng mắc chứng bệnh vậy. Không bao giờ như trong thời gian từ 1963 trở đi, người ta đua nhau nói về thất bại, nói về sự nản lòng. Hơn một sự kiện đặc biệt, việc đó dần trở thành một sự kiện bình thường, lây lan trong xã hội như một thứ mốt, lây sang cả những người có đầu óc thông thường và quả đã toát lên sâu sắc ở những người thành thực. 
Từ những sự kiện lẻ tẻ, người ta còn đi tới cả khái quát. Đấy là khi lòng tin mất đi ; hoang mang và bế tắc, con người cũng mất luôn cả phương hướng.
Lấy một Võ Phiến làm ví dụ, ngòi bút có tiếng là cay độc này có lúc thốt ra ngán ngẩm: "Cái bi kịch của chúng ta là đánh mất  thần tượng của mình".
Mai Thảo thì từng nói rất hay vì sự quanh quẩn tại chỗ: Sống và chết tại chỗ. Hoài nghi cũng tại chỗ mà hoài nghi. Thay đổi cũng tại chỗ mà thay đổi. Cuộc chạy trốn thất đảm và vô ích nhất. Vì là cuộc chạy trốn không cùng về trước mặt.
Và về bất lực: Cuộc sống dù ngọt ngào tới đâu cuối cùng rồi cũng giết chết ở mỗi người mọi khả năng mơ mộng và tưởng tượng. Nghìn cửa ngõ đã mở cho thiếu đi một cửa ngõ hoang đường.
Nói cho đúng ra, mỗi người chỉ mất đi những gì mình ngẫu nhiên mà có. Về mặt niềm tin, cũng chưa bao giờ những người ở các thành thị miền Nam này có được một niềm tin chắc chắn, hơn nữa, một niềm tin lớn lao, cao đẹp. Chẳng qua là họ chỉ cảm thấy cuộc sống quá bức xúc, muốn kiếm tiền thật thoả thuê, muốn xoay xoả cho thoải mái hơn nữa, mà chưa được như ý muốn. Còn như một số niềm tin mà họ nói rằng đánh mất, thực chất chỉ là những niềm tin giả tạo, tự nó không có ý nghĩa gì hết. Về mặt này, thiên truyện Vì sao côi cút của Trần Hoài Thư (in trên Bách Khoa 1974) khá tiêu biểu. Truyện kể lại trường hợp hai thanh niên trốn lính - một người ham thích các chuyện chính trị, thường chăm chú đọc báo; còn người kia - kẻ xưng tôi trong truyện - thì ham thích nghệ thuật, tình yêu. Đến quận lị nọ, tôi theo người bạn kia đến thăm một nhân vật được miêu tả là "nổi tiếng và người bạn vẫn hằng kính trọng". Hoá ra, đó là một tên chuyên đi lừa bịp. Đến khi tôi quay về với nghệ thuật, với tình yêu, thì cũng không gì khác là sự phản bội: người yêu đã đi lấy chồng. Tôi cay đắng, ẩn trốn.
Trong kho tàng truyện cổ dân gian Việt Nam, có câu chuyện anh chàng nọ mua phải một đàn ngỗng trời. Đặt cọc vào những điều hão huyền, bi kịch của hai thanh niên trên đây cũng có phần tuơng tự. Vả không phải chỉ một hai người, mà gần như cả xã hội  hôm qua cũng nhiều phần như họ, cũng đặt cọc vào những điều hão huyền, cũng tự lừa mình, và cay đắng bị lừa. Biết bao nhiêu kẻ thiện ý xây dựng cái xã hội đó, như một Võ Phiến, chống cộng bằng tất cả niềm tin sẵn có, chống cộng như các tôn đồ trước kia tử vì đạo, rồi ra lại vật mình vật mẩy kêu ầm lên rằng những lời kêu gọi mà mình đưa ra, bị ném vào quên lãng. Trong nhiều truyện ngắn truyện dài, các nhân vật lính tráng của Dương Nghiễm Mậu từ các vùng tiền đồn xa xôi trở về thường nhìn Sài Gòn với con mắt căm thù và cảm thấy mình bị phản bội. Năm 1960, trong khi những Mai Thảo, Nguyễn Mạnh Côn lòng còn náo nức hy vọng, thì trong tập truyện ngắn Cũng đành, Dương Nghiễm Mậu đã cảm thấy một cái gì đổ nát rạn vỡ. Khoảng mấy năm 1970-71, trong tập Nhan sắc, mượn truyện lịch sử, nhà văn này ngả sang một quan niệm bất khả tri cho rằng lịch sử nhiều khi là bịa đặt tuỳ tiện, sai đúng lẫn lộn. Sau hiệp nghị Pari, khoảng 1973-1974, ông lại cảm thấy muốn từ giã tất cả. Ẩn sau những chống phá quyết liệt, cái mầm hư vô thất bại ở cứ lớn dậy như một đứa con hoang và ngày càng thắng thế. Trẻ tuổi hơn những Võ Phiến, Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ, không thể nói là Dương Nghiễm Mậu bị ám ảnh bởi những mặc cảm sâu xa như các bậc đàn anh. Viết nhiều, viết khoẻ, sống bằng ngòi bút một cách cần mẫn, không thể nói là ông quá bốc đồng và nói chuyện hư vô cho sang, cho hách, như một vài cây bút non yếu hơn. Lại nữa, trong khi những Thanh Nam, Tuý Hồng, Thuỵ Vũ, Duyên Anh loanh quanh hết Huế, Sài Gòn, bôi ra mà viết, thì ông lăn lộn với lính tráng, bay xuống Cà Mau, Đồng Tháp, lên các vùng tiền đồn xa xôi, năm 1972, có mặt ở Quảng Trị. Trên nhiều phương diện, ngòi bút Dương Nghiễm Mậu là nhập cuộc là xông xáo, bởi vậy sự thất vọng, bất lực, mất phương hướng, mất lòng tin ở  ông mới thêm khả năng lây lan hơn hẳn những người khác.

Sự khủng hoảng các giá trị
Từ sự thất bại, đến mất phương hướng, mất lòng tin, đã có một sự về  biến đổi về chất. Thăng hoa lên một lần nữa - thăng hoa như siêu hình học vẫn gọi - đó là chủ nghĩa hư vô. Từ sau đại chiến thế giới thứ hai, kinh động trước những hoành hành ghê gớm của thứ dịch hạch phát xít, cũng như hoang mang trước những thành tựu mà cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật mang tới, con người châu Âu trải qua một cơn khủng hoảng triền miên và hết sức nghiêm trọng. Những người duy lý bậc nhất đi đến cùng trên con đường đã chọn, chợt nhận ra đã rơi vào phi lý lúc nào không biết. Con người lại kết tội con người. Ý thức bị chính ý thức lên án. Trong sự làm ra thật nhiều của cải, người ta chợt ghê sợ trước tất cả những gì mà mình đã làm được. Nỗi thất vọng về chính mình chính là và bao giờ cũng là một nỗi thất vọng ghê gớm. Giá như không có phương tiện xoay sở, rơi vào bế tắc nên khoanh tay đứng nhìn, thì còn nhẹ nhõm; đằng này do quá thừa mứa, mà cũng do các chủ thể quá năng động, nỗi thất vọng sau hoạt động ấy mới càng nặng nề. Dễ chưa bao giờ ngôn ngữ nhân loại biết được những lời lẽ diễn tả sự thất vọng sâu cay như châu Âu hiện nay.  Những tư tuởng hoài nghi, bi quan đó giống như một thứ thuốc kháng sinh rất độc, xâm nhập tàn phá mọi cơ thể mọi miền trên trái đất, càng những cơ thể ốm yếu, như cái đất  thực dân cũ ở Đông Nam Á, thì sức tàn phá của nó càng ghê gớm.
Trong Thư mở đầu của Vấn đề số 4, Thanh Tâm Tuyền, khi ấy là thư ký toà soạn tạp chí, từng than phiền:
Tình trạng suy nhược tin thần ở Sài Gòn đang thành một cơn bệnh nặng.
… Sự suy nhược tinh thần dồn người ta vào một cơn say thiếu máu, nói như những người lên đồng và múa may trong một xã hội tuyệt vọng. Người ta sợ phải suy nghĩ, nhất là suy nghĩ một mình.
…Náo động trong bưng bít và thụ động trong mơ ước đều là những chứng mệnh kiệt quệ của một căn bệnh hiểm nghèo.
Tại sao? Thanh Tâm Tuyền không nói rõ, mà chỉ mô tả một trang thái có thực. Người nhận lấy việc cắt nghĩa này, không ai khác, lại là Võ Phiến.
 Đây đó, có lúc Võ Phiến có thấy vấn đề một cách sâu sắc hơn.
Cái gì làm nản lòng hơn, ở thời chúng ta, ấy là sự sụp đổ năm lần bảy lượt, liên tiếp các giá trị tinh thần (V.T.N. gạch dưới). Dân tộc đang sống theo nền nếp, bỗng một cuộc biến thiên đến, làm xáo trộn cả chiều hướng văn hoá: những nguyên tắc đạo lý hôm qua coi là thiêng liêng, hôm nay bị chế giễu tơi bời, những tên tuổi hôm qua coi là hiền triết thần thánh, hôm nay bị xỉ vả là gieo rắc tư tưởng lạc hậu.
Đúng là trong mỗi giai đoạn lịch sử ở mỗi xã hội đều thấy hình thành cái đó, các giá trị tinh thần. Muốn biết một xã hội trưởng thành đến đâu, nó có ổn định vững chắc hay không, phải xem xét hệ thống giá trị mà nó coi là nền tảng. Khi một xã hội đã tao loạn tới mức những chuẩn mực cho người ta dựa vào đó mà sống đã sụp đổ, trước sau xã hội đó sẽ tan rã.
Khi nói về chủ nghĩa hư vô, các tài liệu lý luận Đông-Tây không thể không nhắc tới một nhân vật quan trọng là Nietzsche (1844-1900). Trong bài viết về chủ nghĩa hư vô, Bách khoa toàn thư về triết học của Liên xô sau khi xác định đó là một hiện tượng xã hội, muốn phủ nhận các giá trị như lý tưởng, khuôn mẫu đạo đức, văn hoá.v.v… còn dẫn ra nhận xét tóm tắt của Nietzsche : "Hư vô là những gì cao hơn giá trị, bị mất giá trị. Không mục đích. Không trả lời cho câu hỏi: để làm gì?". Với Nietzsche, việc sáng tạo các giá trị là sự kiện cơ bản của lịch sử nhân loại. Theo Nietzsche giá trị quan trọng hơn mọi sự kiện và việc đáng làm nhất là biến đổi các sự kiện ra giá trị.
Bởi lẽ trước khủng hoảng, những giá trị cổ truyền gắn liền với niềm tin vào một đấng tối thượng là Chúa, tức với niềm tin vào môt cái gì bất tử, nay niềm tin đó không còn nữa, mọi chuyện như hụt hẫng, mất chỗ bấu víu, và lòng người cũng không sao tìm được sự yên ổn, cố hữu, Chúa đã chết rồi, lần đầu tiên Nietzsche nói, và về sau, bao nhiêu người còn nhắc lại. Đi kèm với niềm thảng thốt là một nỗi kinh hoàng lây truyền từ người nọ sang người kia, từ đó ra đời rất nhiều tác phẩm nói về sự hỗn loạn trong đời sống hiện đại.
So với sự thịnh vượng của châu Âu sau cách mạng tư sản, cái thời của Chúa, cái thời của sự ổn định mà xã hội Sài Gòn sau 1954 gọi là có ít ngày thì cũng rất ngắn ngủi, rất mong manh.
Nhưng không phải vì thế mà người ta không chia sẻ nỗi cay đắng về chỗ  mất đi những mực thuớc để sống.
Làng xóm bị bom đạn Mỹ cày xới. Thành thị tập trung dân, những mối quan hệ cũ tan rã, những mối quan hệ mới chưa hình thành, chỉ riêng những xáo trộn đó đã làm nảy sinh bao khủng hoảng. Trên kia, chúng ta đã nhắc qua những nhân vật người lính của Dương Nghiễm Mậu, Phan Nhật Nam từ các tiền đồn trở về căm ghét cuộc sống Sài Gòn ra sao. Chiến tranh trở thành bình thường, người ta vừa phải sống rất căng thẳng, sống gấp cốt sống lấy được mà không cần nguyên tắc gì hết, lại vẫn phải lo làm ăn  sinh con đẻ cái, lo học hành vui chơi giải trí, như mọi kiếp sống bình thường. Nếu không tranh thủ hưởng thụ đi thì đến bao giờ hưởng thụ. Khi đã phải dùng đến quá nhiều tiêu chuẩn, những tiêu chuẩn khác nhau để xem xét, thì còn biết sao là phải là trái nữa? Đại khái, như trong cuộc phỏng vấn về tuổi trẻ Việt Nam đăng trên báo Khởi hành, một bạn trẻ đã sơ bộ gợi ra sự lúng túng của rất nhiều người.
Nhiều khi đi ngang qua đường phố gặp những cậu trai 15, 17 mà đã bắt chước cà phê, thuốc lá, ăn mặc lố lăng, tôi thấy ghê tởm và khinh ghét họ. Nhưng sau những đêm kinh hoàng vì pháo kích, tôi lại thấy thương mến họ rất nhiều.
Bắt đầu một cách rất giản dị, nhưng những lẫn lộn trong tình cảm trên đây là gì, nếu không phải là báo hiệu của một khủng hoảng thực sự, trên mọi phương diện của cuộc sống. Trong bài điểm lại Những nét lớn về sinh hoạt nghệ thuật 1970, Mai Thảo cũng nói đến hiện tượng trống đánh xuôi kèn thổi ngược: "Trong tiếng súng nổ, cả nước đang sáng chiều nghe nhạc". Nhân một kẻ nổi loạn trong thành phố rồi tự tử chết, Dương Nghiễm Mậu cảm khái và tìm cách cắt nghĩa: "Hắn đã chết trong một xã hội mà kẻ phản bội nói trung thành, kẻ dơ bẩn nói trong sạch, kẻ vô hạnh nói phẩm giá." Dường như chính Dương Nghiễm Mậu muốn thay mặt những người đã chết nói một sự thật, nhưng điều đó có nghĩa lý gì, xã hội Sài Gòn hôm qua đủ bàng quan, lạnh nhạt để nhắm mắt trước mọi sự thực tương tự.
Tóm lại, sự khủng hoảng các giá trị, nói cách khác là những khủng hoảng những thước đo chung, được mọi người công nhận - thực chất của nó là khủng hoảng các quan hệ lớn trong xã hội. Giữa cá nhân và xã hội, mọi mối ràng buộc xộc xệch. Trên phương diện thời gian, hoặc hiện tại quá mong manh mà quá khứ quá nặng nề, hoặc lấy tương lai làm vật hy sinh cho hiện tại, đủ thứ so le mà cũng đủ chuyện giả trá, hư nguỵ, không sao kiểm soát nổi. Mà khi những giá trị này đã được "thả nổi" để "tuỳ nghi", thì sự hỗn loạn không còn là trong phạm vi nhỏ hẹp nào nữa. Không phải là từng hành động riêng rẽ, mà là toàn bộ hệ thống hành động của người ta hỗn loạn. Tưởng là quy vào phạm vi tinh thần rồi mọi sự lúng túng sẽ được gỡ ra, ngờ đâu, đến tinh thần cũng hỗn loạn, thì sự hỗn loạn mới thật là hoàn chỉnh, và mở đường cho mọi sự hỗn loạn tiếp tục.

Hành động trong tuyệt vọng
 Hamlét vĩ đại vì tầm vóc của những suy nghĩ mà nhân vật này trải nghiệm trước khi hành động. Tồn tại hay không tồn tại, con người bận tâm tới câu hỏi đó có lúc bị người đời coi là bạc nhược. Nhưng biết sao được? Trong lúc chưa tìm được phương hướng đúng, hành động chỉ thất bại, thậm chí là lầm lỡ thêm.
Trong thời đại bế tắc của mình, các nhân vật tích cực của Tchekhov đều đứng đó bơ vơ, lạc lõng. Còn những kẻ hoạt động ở đây, chính là những kẻ bị lịch sử lên án.
Soi vào hoàn cảnh miền Nam trước giải phóng, tình hình khác hẳn.  Chẳng có ai là chịu đứng tách ra không hành động. Nhưng hành động thế nào bây giờ?
 Trở lại với cái câu của Goethe, mà trên kia tôi đã dẫn khởi nguyên là hành động. Có một điều mà người ta hay quên  chính tác giả Faust  là người từng nhấn mạnh thêm : Sự hoạt động làm tê liệt tư tưởng.
Khi người ta chỉ hành động theo thói quen, hành động một cách mù quáng, thì bản thân hành động không thể đúc kết lại thành tư tưởng đúng đắn, và dần dà đó đã là một thứ hành động vì hành động, hành động như là dấu hiệu của bất lực.
Hãy thử nhìn sự diễn biến của hư vô trong lịch sử.
Trong xã hộị trung cổ, khi hư vô, thường người ta im lặng chịu đựng. Cũng có một số người nổi loạn, nhưng không mang lại kết quả gì đáng kể, cuối cùng thấy rằng lảng tránh vẫn còn hơn đầu hàng. Mà lại dễ chịu, lương tâm vẫn yên ổn, vì tự cảm thấy mình trong sạch "" Sau khi để cho nhân vật Thuý Kiều của mình đi đến cùng của mọi sự phiêu lưu mà vẫn không được việc gì, Nguyễn Du chỉ còn có cách tìm niềm vui trong quên lãng, hoặc ở ẩn giữa triều đình, làm một ông quan bất lực. Câu thơ nghêu ngao vui thú sơn hà - mai là bạn cũ, hạc là người quen vận vào đây là vừa hợp.
Ít nhiều hư vô thuở ấy còn là khả thủ, còn chấp nhận được vì nó bó hẹp trong phạm vi một hai cá nhân nào đó và không dẫn tới bừa bãi phá phách.
Nay thì ngược lại.
Bên cạnh một thoáng tích cực, một trong những phương hướng phát triển  của chủ nghĩa hư vô ở các nước phương tây hiện đại là nó hướng người tới sự tự do tùy tiện. Khi tự nhủ rằng Chúa đã chết tức là người ta tự bảo muốn làm gì thì làm. Đến với  các thành thị miền Nam trong chiến tranh, cách nghĩ này thúc đẩy người ta sa chân vào con đường lỗi lầm. Làm giàu một các bất lương, ăn cắp, giả trá, chém giết nhau cho hả giận, -- gì người ta cũng dám làm. Khi các giá trị đã không còn để làm mực thước thì một ít lệch chuẩn như vậy phỏng có tội tình gì. Mọi hành động xấu luôn tìm được một hành động xấu hơn để đối chiếu. Mọi hành động xấu ai cũng biết  --  mà lại không thể và không được xem xét, lý giải nhất là lên án một cách đúng đắn -- sẽ có sức nẩy nở sinh sôi ghê gớm.
Mối quan hệ giữa hư vô và hành động liều lĩnh là mối quan hệ hai chiều, cái nọ dựa vào cái kia để tồn tại. Vả lại, nghề này thì lấy ông này tiên sư, suy đi nghĩ lại, đã sa chân vào sai lầm thì chỉ có hư vô là thích hợp hơn cả. Sự quyến rũ của chủ nghĩa hư vô là ở chỗ nó xu nịnh con người; trong quy chế của nó, người ta được tiếp tục làm mọi điều người ta ưa thích. Một thứ giao kèo đã được ngấm ngầm thoả thuận, không ai nói ra, nhưng ai cũng nghĩ, thử giao kèo ký với quỷ sứ. Trong bước lầm than của mình, nàng Kiều của Nguyễn Du, lòng còn trong sáng, tâm trí còn lúc lúc dậy lên những khao khát chiêu tuyết, làm lại cuộc đời. Nay những người chân sục trong bùn đã đánh mất luôn cả cái tâm thành  thuần khiết đó, họ trượt dài trên con đường đã chọn, không hối hận, không ngại ngần. Cho hay, đến ngày giải phóng, khi một cây bút chống cộng than tiếc - "giờ đã đến cái quãng sông Tiền Đường của đời mình rồi" -  thì một nhà văn khác cãi lại ngay:
- Làm sao mà họ có thể tự ví với kiếp đời cô Kiều được?
Ma đưa lối quỷ đưa đường, như Nguyễn Du đã miêu tả rất tài tình, cuộc đời con người tài hoa có tên Thuý Kiều là cuộc đời của một con người bất lực, không sao có được cảm giác hiện thực về đời sống, không sao tìm ra đường đi của mình. Hoàn cảnh xã hội bấy giờ đen tối mịt mùng chưa cho phép con người nhận thức được những vấn đề cơ bản của đời sống. Nay với những người hoàn toàn có điều kiện hiểu rõ sự thực, đã thật giả phân minh, hư vô đồng nghĩa với từ chối trách nhiệm, theo thói quen  mà tự lừa dối, vì cầu an mà buông trôi, vì "đã chót nhúng chàm" mà càng nhắm mắt chống lại sự thực. Làm sao những người ấy lại có thể tự ví với nàng Kiều được?
Trong tác phẩm, các nhân vật tuyên bố một lối sống trắng trợn công khai, đại khái như Tuý Hồng từng "đơn ca":
Sống đâu phải là tạo dựng những kỳ công và gục xuống trên một cái chết không thường ? Sống đâu phải là đặt ra những vấn đề và day dứt và thao thức. Vấn đề duy nhất của cuộc sống, chính là sống vậy.
Và sống? Là cảm thấy thiên thu trong mỗi phút giây. Là cảm thấy thiêng liêng trong từng hành động nhỏ. Như ăn uống năm ngồi. Như chải đầu soi gương… Sống cuồng nộ bất kham. Sống kích động giãy giụa. Lướt qua ngọn lửa, vọt theo lao, cuốn theo gió lốc, trườn mình trong sấm sét, hào hển, thở dốc, ngất ngư cảm giác.
Dấu binh lửa của Phan Nhật Nam là gì, nếu không phải là lời tự thú của một thanh niên trai trẻ dần dần đánh mất cái phần trong sáng của mình, dấn thân vào tội lỗi? Khoảng cách giữa Dấu binh lửa với các tác phẩm về sau của Phan Nhật Nam (Dọc đường số một, Mùa hè đỏ lửa) rất rõ, trước tiên là ở thái độ của nhân vật chính với cuộc đời. Ở quyển sách đầu, đây đó chúng ta có thể bắt gặp một tâm hồn còn run rảy, còn khao khát. Ở những  quyển sau, chỉ có một thái độ bốc nhập cuộc liều lĩnh và nói lấy được.
Nét đặc biệt của văn chương Sài Gòn trước giải phóng là sách vở rất gần cuộc đời, sống sao viết nấy, viết để thể nghiệm cuộc sống, và thông báo cho mọi người biết về cuộc sống của mình. Phan Nhật Nam là như thế mà những bậc đàn anh, Mai Thảo và Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Mạnh Côn và Chu Tử v.v.. cũng làm như thế.
 Loại nhà văn sống công chức hoặc làm nghề giáo trong thời gian đầu dần dần thưa thớt đi, ngày càng thấy những văn sĩ kiêm áp phe chạy hàng sách và bản thân việc viết  lách cũng là áp phe. Đề tài gì cũng viết được, mặt hàng nào cũng biết làm tuần chay nào cũng có nước mắt. Giày đã bẩn rồi, từ nay chân tha hồ thục trong bùn, nhìn ra mọi người lại cũng lấm lem cả rồi, sức chống đỡ của cá nhân thì mong manh, mà sức cám dỗ của tội lỗi thì thật ghê gớm. Tấn kịch của những người viết ở Sài Gòn hôm qua cũng là thảm kịch của nhiều người ở những nghề khác, của cả xã hội miền Nam.

Bài viết này hoàn thành từ 1980 với tên gọi
 Hành động trong tuyệt vọng
 (Vài nét phác hoạ về chủ nghĩa hư vô trong văn chương Sài Gòn trước giải phóng). 
 Chỉ sửa chữa một số chi tiết trước khi đưa lại như trên. 
Mới hơn Cũ hơn