VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Cuộc phỏng vấn về tuổi trẻ miền Nam trên tuần báo "Khởi hành" 1969

Trên tờ Khởi hành , tuần báo tồn tại ở Sài Gòn từ 1969 đến 1973, từng có một cuộc phỏng vấn theo dạng mời bạn đọc viết chung quanh chủ đề tuổi trẻ miền Nam 1969. Dưới đây là một số trích đoạn các phát biểu hồi đó, chúng tôi chép lại trong sổ tay cho nên không ghi chính xác xuất xứ từng ý một - rất mong bạn đọc lượng thứ.

Buổi chiều bị dí súng sau lưng đi đào đường đào hố. Buổi tối bị dí súng sau lưng đi mở đường lấp hố.
Mãi mãi tuổi trẻ vẫn là tuổi khốn nạn thiệt thòi nhất. Nắm lấy tay nhau chúng tôi đã khóc.
Như một tác giả nước ngoài đã viết, chiều sâu của chúng tôi là vực thẳm, tuổi trẻ của chúng tôi không có thanh xuân.


Tuổi trẻ vốn hiền lành và chân thành với tôi, qua thi ca, tuổi trẻ được phơi bày là một tuổi trẻ với đầy vết tích, một thứ tuổi trẻ sống sượng, già cỗi.
Tuổi trẻ bây giờ bất mãn đã nhiều rồi, nên không còn ao ước gì nữa, vì sợ rằng nếu ước muốn được thì tuổi mình đã bỏ đi thật xa rồi.
Không khí tôi sống không phải là không khí ao ước.
Bao giờ để tôi có thể hãnh diện về xóm tôi ở?
Nhìn hai chữ tuổi trẻ mà tôi phải thao thức một đêm.

Tuổi trẻ chỉ có hận thù và bất mãn. Hận thù và bất mãn trước hoàn cảnh, sự bất lực của mình.
Trong hiện tại, tuổi trẻ đã bị mạo hoá ( làm giả -- VTN chú )và biến thể dưới nhiều tình trạng đặc biệt.
Từng cho rằng người Việt Nam chỉ đáng là người Việt Nam nếu trong đời đã hơn một lần chạy loạn.
Chúng tôi là những kẻ bị đầu cơ tích trữ lạm dụng chiếm đoạt.

Tuổi trẻ bây giờ phải thức đến suốt một ngàn lẻ một đêm hoạ hoằn mới tìm cho mình một chỗ đứng khả dĩ vung vãi được hạt giống suy tư về ước mơ thanh bình cho mọi người cùng hy vọng.
… Tuổi trẻ trở về thành thị để ôm đồm thêm những ngày dài thao thức, trở về thôn quê để phó thác thân mình cho bom đạn vô tri.
Không khí tuổi trẻ bị chôn sống tức tưởi trong hiện thực tan nát của xã hội.
Hư hỏng bên ngoài quyến rũ. Chưa có thời đại nào như bây giờ, tuổi trẻ đã ngấm ngầm, đã phát hiện sự a dua tột cùng của thời đại.

Sài Gòn bây giờ xô bồ và thác loạn. Sài Gòn không giúp gì cho tuổi trẻ Việt Nam hôm nay cả. Đã lâu – và hiện tại -- tuổi trẻ như một trang sức bị lợi dụng.
Tuổi trẻ đã bị xã hội bôi đen bộ mặt ngây thơ tội nghiệp mất rồi. Không bi quan thì phải lạc quan ở chỗ nào? Chẳng ai muốn hiểu chúng tôi cả. Mấy ai muốn sống với cái tuổi trẻ như chúng tôi.
Tuổi trẻ là lớp tuổi rất nhiều mặc cảm, nhưng lớp trẻ không có một tiếng kêu đồng nhất, một hướng đi đích thực. Đang phó mặc cho đời tô điểm mình. Đang rũ riệt trong khắc khoải. Đang lo âu cho mình khi phải làm người già.

Tôi là ai? Là một người đi lính, thấy ngạt thở, thấy buồn cười, thấy tuổi trẻ bị đầy đoạ, thấy tuổi trẻ bị dồn vào thế kẹt, vì thế tôi luôn phẫn nộ, tôi thích những nhà văn lớn mà phẫn nộ như tôi.


M Thảo  viết trong Quán bệnh   Khởi hành 1969
Mỗi buổi chiều, khi trời tím lại sau những toà nhà chọc trời, tiếng súng ngoài xa vọng về, và hoả châu sáng trên những địa hình ven đê thành phố, hàng nghìn người trẻ tuổi chúng ta đã tới đó ngủ tiếp giấc ngủ chiều ma quỷ. Xã hội này thù nghịch. Thời đại này bất toàn. Hiện tại này xa lạ và tương lai kia mịt mùng. Đường tuổi trẻ lầy lội. Trời tuổi trẻ mưa bay. Và những người trẻ tuổi của chúng ta đã tới gặp nhau, như những cánh dơi vỗ đập rã rời trong một hầm đá tối thẳm. Họ mới mười bảy thôi. Nhưng đài trán đã nhăn, chân trời đã mỏi, tròng mắt đã tối, hoài nghi đã là. Họ mới mười tám thôi. Nhưng ngón tay đã gầy, khối sầu đã lớn, chủ nhật đã buồn, chăn chiếu đã lạnh. Họ mới hai mươi thôi, nhưng tóc thôi đựng gió, miệng chẳng nụ cười, hồn không ánh sáng. Và họ tới ngồi đó trong những quán nhạc kia, những quán nhạc như nơi trú ẩn cuối cùng, nhận những ca khúc sầu thảm lướt thướt làm tiếng nói của mình, chìm đắm, nhạt nhoà, trong  một trầm tư không đối tượng.
 [So sánh với một bệnh viện]
Bệnh viện ấy và quán nhạc kia đều cùng một thế giới. Cái thế giới lặng lẽ của những người nằm bệnh có khác là ở một nơi, người đau nằm trên giường, ống thuốc cầm trên tay. Và một nơi người đau ngồi lặng, yếu đau bằng âm nhạc. Khác nữa một đằng người đau thật có bệnh, và một đằng chỉ là bệnh tưởng đau.

[Từ đó đặt vấn đề nhận đường khởi hành]
Tuổi trẻ cần phải “trang nghiêm đốt lên với nhau một ánh lửa nhận đường”

Tuổi trẻ bây giờ già nua trước tuổi. Tuổi trẻ bây giờ là thuốc lá đen, cà phê đen, nghe nhạc thoát lũ loạn cuồng, bất cần thế sự.
Tuổi trẻ nham nhở -- người ta thường nói nham nhở như cuộc đời. Tuổi trẻ dao động, băng mình đi trong đêm, nhiều lúc muốn cắt đứt sự liên hệ giữa gia đình thân hữu.

Tuổi trẻ như những tượng đất sét nung sẵn trong lửa đỏ và biết chạy nhảy theo một khuôn mẫu định sẵn.
Người chúng tôi khoác đầy những bùa chú đỏ đen, khẩu hiệu biểu ngữ, bích chương điên khùng. Tuổi trẻ tôi ngột ngạt như bị giam hãm trong vòng vô hình xiết chặt thường xuyên. Lo sợ, thôi thúc, chán nản, tuyệt vọng, nổi loạn bất mãn, hoài nghi, thảng thốt cả trong giấc ngủ.
Tuổi trẻ của chúng ta như những cây măng non, những cây măng không bao giờ là tre cả.

Tuổi trẻ là những tên đầu óc bờm xờm, áo quần hoa hoét, lượn xe từng đàn ngoài phố. Là những tên hình dung cổ quái trong cách trang phục, vặn vẹo uốn éo theo những đĩa nhạc kích động ngoại quốc. Như một con vẹt chính cống.
Tuổi trẻ là những thằng mặt mày búng ra sữa, nhưng cũng từng đám tụ họp trong cái không khí suy tư giả vờ, buồn nôn, bày đặt của những quán cà phê văn nghệ đang mọc dậy ầm ầm nơi thành phố này.
Tuổi trẻ là những tên ngơ ngơ trước mọi giáo điều của người lớn để xuống đường để đả kích hoan hô. Để tụ họp, để hội thảo,-- nhưng đả kích hoan hô hội thảo cái gì thì cũng chẳng đi đâu. Những tên bé dại khờ khạo.
Điều tôi ao ước nhất là đến bao giờ mới chấm dứt cái cảnh người tôi nặng trĩu vì giấy tờ hợp pháp. Tôi mong khi đó tôi có thể đi bất cứ chỗ nào mà không bị một đôi mắt nghi kỵ thù hằn dò hỏi.
Hầu hết những nguời tuổi trẻ phải chấp nhận một liên hệ định mệnh với thời cuộc. Lý tưởng thì xa vời. Căn bản thì nghèo đói. Muốn hy sinh cũng chẳng biết hy sinh làm gì và cho ai.Tuổi trẻ mù loà vì mắt đã mở quá rộng.
Dù sao đi nữa, tuổi trẻ cũng thiệt thòi nhiều nhất trong bất kỳ một cuộc chiến nào. Niềm khao khát lên đến cao độ trong thế hệ hôm nay: “cho tôi yêu một lần để tôi chết một đời”.

Đừng bao giờ đòi hỏi ở tuổi trẻ quá nhiều sự hy sinh khi các bậc đàn anh vẫn thản nhiên hưởng lạc trên mồ hôi và xương máu của tuổi trẻ.
Văn chương chỉ còn là một thứ chất ma tuý để thoả mãn tuổi trẻ
Tuổi trẻ bây giờ đối với tôi thành một danh từ thê thảm và khốn nạn nhất
Tôi đếm trời xanh bằng cỏ cây héo úa, tiêu điều trên quê hương. Tuổi trẻ của tôi chạy đi chạy lại dưới giao thông hào, nhìn sự chết qua lỗ châu mai, qua ánh sáng đèn vàng vọt. Ngoại thương, thù hận, bi phẫn đủ cả.
Đánh giặc như điên. Đánh ở mặt trận với tuổi trẻ có súng. Đánh ở thành phố với tuổi trẻ loè loẹt hippy. Tuổi trẻ của tôi là phá phách tàn sát. Mộng cuối cùng của tôi điên cuồng và tê dại.
Tuổi trẻ của tôi miệt mài tháng ngày với lửa đạn, với ngón tay trỏ bao lần siết chặt, để tra tấn để huỷ hoại tuổi trẻ bên kia.
Dưới ánh mặt trời nóng nực của cuộc sống rộn ràng, tôi không muốn tranh nhân chấp ngã, tôi muốn điếc, tôi muốn câm, tôi muốn đui mù để tôi không còn nhận thức gì được nữa.
Tôi sống ở Mỹ Thọ. Một thành phố mang một phần nào vẻ buồn tỉnh lỵ. Có lá me bay, có những con đường xanh mát, và rất nhiều những tà áo học trò. Đó là hình ảnh ngày xưa, bây giờ thì không còn gì nữa, cây đã trụi lá trơ cành, đường xá loang lổ vì GMC và những người lính đi uống cà phê mang theo M16, những người con gái 18 với vành khăn sô mười tám tuổi rưỡi đi lấy Phi Luật Tân.
--------
Một học sinh chia học trò bạn mình làm 4 nhóm
1. Bàn chuyện thời cuộc: ít
2. Học ở mọi không gian và thời gian: cũng ít
3. Bàn chuyện đánh lộn, trả thù: đông hơn
4. Nói tình yêu, nghệ thuật tán gái: nhiều nhất
Thanh niên nông thôn: Sao cũng được

Bài học đầu tiên là cách sử dụng vũ khi ngoại bang.
Kinh nghiệm đầu tay là nghệ thuật giết người.
Thế hệ cha anh của chúng tôi lại âm mưu đặt lên đầu chúng tôi một hệ thống thủ đoạn nhằm chặn đứng mọi vươn lên cần thiết.

Một bằng chứng trong địa hạt văn nghệ (là) các văn thi sĩ tiền chiến phá vỡ cầu thang khi đã leo được trên lâu đài bưng bít, chung quanh có thành quách bao bọc. Chúng tôi hiện diện, họ không chối cãi. Nhưng họ lại quy ước rằng tiếng nói của họ đặc quyền độc vãng độc lai. Ngôn ngữ của chúng tôi tắt nghẹn từ lồng ngực, từ ý niệm hình thành. Chúng tôi bị bịt miệng, bị nhận chìm, bị chôn sống.
(Nhưng) chúng ta hãy cúi đầu thú nhận rằng chúng ta đã quá ướt át, mềm yếu, quá e dè sợ sệt, gầm mặt bước đi âm thầm trong công ước cũ không một lời phản kháng.
 Được sống là may lắm rồi .
Tuổi trẻ hôm nay chỉ xin được im lặng và ngủ say. Im lặng để làm lại cuộc đời, để dưỡng sức, và ngủ say để quên đi tất cả. Tất cả xin khai tử để giữ vệ sinh cho TQ. Quê hương đã băng hoại quá rồi, xin đừng dẫn chúng tôi làm băng hoại nữa.
Duyên  Anh Ảo vọng của tuổi trẻ


Nhiều khi đi ngang qua những con đường phố gặp những cậu con trai 15, 17 mà đã bắt chước cà phê thuốc lá, ăn mặc lố lăng, tôi thấy ghê tởm và khinh ghét họ. Nhưng sau những đêm kinh hoàng vì pháo kích, tôi lại thấy thương mến họ rất nhiều.
Nhiều đêm nghe còi báo động, giật mình nằm nhắm mắt và chắp tay cầu Phật. Một phần phó mặc cho định mệnh, một phần cầu khẩn van xin.
Về thành phố, (lính) tủi nhục hơn là vui sướng. Một người bạn 3 năm mới về phép gặp nói với tôi, họ đang làm tình trên xác chết của mình, của bè bạn chúng mình.
Hai vòm trời ấy (giữa kiếp lính và những ngày nghỉ phép) -- một bên tê liệt, một bên xô bồ.
Chúng tôi mang tâm sự một kẻ đang bị tróc nã, lúc nào cũng muốn đổi mới và đi tìm.
Tuổi trẻ là gì? Một thằng 8 tuổi, một thằng 9 tuổi, thằng 10, thằng 11, thằng 14 – chúng nó tụ họp theo mấy cái snask bar ở đường Trần Hưng Đạo. Một xe Mỹ đến, chúng ùa chạy ra lôi kéo, miệng ô -kê, tay dắt mối cho điếm. Chúng nó có thể là tuổi trẻ không?

Đã đưa trên blog này ngày 27-6-2011
Mới hơn Cũ hơn