VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Sự tầm thường của đời sống dưới mắt Tô Hoài


     Khi đc cái đu đ này, xin các bn nh cho, Tô Hoài là mt hin tượng nhiu chiu cnh, nhiu dáng v; s tm thường tôi nói  đây đã tn ti bên cnh nhng khía cnh nghiêm trang cao c ca đi sng mà ông đã din t trong chng hV chng A Ph và nht là Dế mèn phiêu lưu ký, tác phm đu tay, được đc rt nhiu nhưng li ít được nghiên cu ca ông.
      S tm thường được nói ti bài này là bao gm c nhng gì ông viết  t thu 20-25 tui ln c nhng trang ông viết trong tui già, bi vy tôi tin nó là mt ch đ xuyên sut trong ông.
      Tôi đnh đt cho chùm hai bài này cái tên Tô Hoài mt nhà văn biết bóc m đi sng, nhưng hai ch bóc mẽ y nghe có v phàm tc quá, nên dùng li cách nói  trên. 
                                   
                                               NHỮNG CHUYỆN LỖI HẸN   
Sở dĩ cốt truyện tình duyên lỡ dở thường được các nhà văn cổ kim đông tây ưa chuộng, bởi lẽ đây cũng là dịp rất tốt  để mỗi tác giả  trình bày cách hiểu của mình về bản chất con người.
Có thể là bạn chưa một lần đọc những truyện ngắn của Tô Hoài mà dưới đây, chúng tôi có nhắc tới. Nhưng có hề chi, nếu như cách nhìn những chuyện tình duyên lỡ dở đó cũng đã có lúc là cách nhìn của chính bạn.

- “Người trong cuộc đã đau khổ lắm rồi, không nên làm cho họ đau khổ thêm nữa!”.
 Có lẽ là với chủ ý như vậy, nhiều người trong chúng ta khi phải kể lại và các nhà văn khi phải viết lại những cuộc tình lỡ dở có thói quen mang lại cho câu chuyện một vòng hào quang lãng mạn. 
Để chứng tỏ việc A với chị B không lấy được nhau là trớ trêu, là vô lý, ta hãy tìm cách tô điểm sao cho hiện lên như một đôi trai tài gái sắc. Họ rất hợp nhau, lại rất say nhau. Họ đã làm mọi cách để giữ gìn mối tình của mình. 
Nhưng vì sự ngăn cản của cha mẹ, dòng họ, vì định mệnh khắt khe, vì ông tơ đa đoan nào đó, họ phải xa nhau vĩnh viễn. Xa nhau mà vẫn lưu luyến, vẫn giữ mãi tình xưa tận trong tâm khảm.
Có thế, truyện mới lâm ly và người đọc mới rơi nước mắt!

Nhưng không phải mọi người cầm bút đều sẵn lòng đi theo lối mòn như vậy.
Từ nửa thế kỷ trước, nhà văn Tô Hoài khi ấy mới 20 tuổi đã viết nhiều truyện ngắn nói về những cuộc tình lỡ hẹn với tất cả cái vớ vẩn, nhạt nhẽo, không đâu vào đâu mà sự đời thường có.
Dưới đây là tóm tắt một số cốt truyện loại đó:
- Trong Lá thư tình đầu tiên, anh chàng Cuông đã say mê Mị lắm rồi, nhưng không dám nói, đành tính chuyện “mượn bút thay lời”. Cuông bỏ mấy tháng đi học quốc ngữ. Lúc anh viết được lá thư đầu tiên thì cô Mị đã đi lấy chồng. Mối tình chết trong im lặng, song duyên do chỉ là vì Cuông quá nhát, thế thôi.
- Trong Vàng phai, cô Mây bỏ anh Hẹn chạy theo Quyền Vực, vì anh lính tập này (đã lên tới chức thày quyền) là một món sộp, so ra hơn hẳn chàng trai thợ dệt nghèo túng. Hẹn chỉ còn có cách ngâm thơ để kháy đời.
- Trong Một người đi xa về, Tại và cô Pha đã hứa hôn với nhau, nhưng gia đình Pha tham tiền, gả cô cho một người giàu hơn. Pha sẽ chống lại cha mẹ chăng? Không, với cô thế nào cũng được, ấy mới là điều làm cho Tại tức tối, căm giận. Tại bỏ đi Sài Gòn làm ăn, lúc khá giả mới trở về làng. 
Bấy giờ Pha mới hối hận: Ngày xưa giá như thế này... thế nọ... ta đã chẳng khổ như bây giờ. 
Kết quả: chồng cô vác gậy chèn cổng phang cho cô một trận. Rồi anh cầm cả một cái rổ bát quăng ra giữa sân.
- So với Pha trong truyện trên, nhân vật người con gái trong Một chuyến định đi xa khá hơn một chút. Cô hứa theo gã con trai đi trốn. Nhưng chỉ được có thế. Đến ngày hẹn, cô không ra ga làm gì! ít lâu sau cô đi lấy người khác.

Tóm lại, những chuyện lỡ làng kể ở đây chẳng có gì đẹp đẽ, cao quý, mà các nhân vật cũng chả có gì đáng thương hoặc đáng thông cảm. Đôi bên không lấy được nhau, chỉ vì cả đôi hoặc ít nhất là một trong hai bên vụng về, thiển cận, không dám và không biết quyết định vận mệnh của mình. 
Người ta hèn yếu, nên lẽ tự nhiên là người ta bất hạnh, giản dị có vậy. 
Thậm chí, dù lỗi hẹn chăng nữa, người ta cũng chẳng lấy thế làm đau khổ.

Đến như phản ứng của con người sau những lần lỗi hẹn đó, mới lại càng thê thảm hơn nữa!
Sau khi bị Pha lảng tránh “nhất định không dính líu rắc rối gì nữa”, Tại thù lắm. “Anh định cắt lưỡi nó đi. Phải, cầm một con dao bầu thực nhọn và thực sắc, đưa ngay vào cuống họng nó. Anh nghĩ thế ra lối hăng lắm”.
 Nhưng ý nghĩ ấy không đứng vững được lâu.
 “Tới khi anh tưởng tượng rằng rồi nó ngã gục xuống, máu ở vết dao đâm tuôn xối ra ướt hết áo quần và bắn lên cả mặt anh... Một cái gông bằng gỗ to lắm tự dưng lù lù kẹp vào cổ anh... Anh thoáng rùng mình lạnh gáy. Thế là cái mầu tư lự ghê gớm đó tan mất”.
May là Tại còn dám bỏ đi Sài Gòn.

Lại còn trơ hơn và hèn hơn Tại và Pha trong truyện trên, ấy là trường hợp các nhân vật trong truyện Lụa. Khi biết không lấy được nhau, Lụa đã tuyên bố là sẽ đi tu, và Nguyên cũng dạo bỏ đi Sài Gòn. Nhưng rồi dần dà ngày một ngày hai “không ai nghĩ đến chuyện đi đâu. Vào Sài Gòn, đường xa lăng lắc. Đi tu phải cạo trọc đầu mà cũng khổ lắm. Những lời quả quyết kia, cả hai cùng đã quên”
Cũng có một lần, câu chuyện lỗi hẹn trong Tô Hoài dẫn đến một kết cục không quá nhạt như vẫn thấy, mà còn có vẻ oan khiên một chút.

 Trong truyện Ông trăng không biết nói, khi biết người yêu của mình sắp đi lấy chồng, gã con trai phẫn lắm. Gã uống một chầu rượu thật say rồi gọi cô ta ra bờ giếng để tra hỏi. Câu chuyện chưa dứt, cô gái đã sợ hãi bỏ về. Giá kể vào tay một nhà văn thích màu mè nào đó, nhân vật gã con trai có thể sẽ nhảy xuống giếng tự tử và như vậy ở gã còn chút hào phóng khí khái đáng cho chúng ta ái ngại. 
Nhưng không, 
Tô Hoài vẫn là Tô Hoài, con người trong tác phẩm của ông xa lạ với mọi sắc thái ngang tàng, bạo liệt. 
Ở truyện Ông trăng không biết nói cũng vậy, nhân vật gã con trai vẫn chết nhưng là chết đuối. Trong cơn say rượu, khát nước quá, gã chới với tìm nước và tuột chân rơi xuống giếng.
Còn cô gái, sau khi lấy chồng, không quên lẩn tránh, không bao giờ lai vãng đến chốn bờ giếng ấy nữa.
Đã in trong Chuyện cũ văn chương, 2001
                              
                                         VẪN ÔNG DẾ MÈN ẤY                                   

            Nhân đọc  Giấc mộng ông thợ dìu (nxb Hội nhà văn và Cty Phương Nam liên kết xuất bản) 

      Hồi cùng với Nam Cao viết cho Tiểu thuyết thứ bảy, Tô Hoài đã có lối làm hàng chăm chỉ, bận việc gì đi nữa vẫn lo bán bài đều đều cho báo. 
      Sau này cũng vậy, ngoài viết tiểu thuyết và công tác xã hội, hễ nhận viết báo là như ngồi trước khung cửi, có khi một ngày guồng được vài bài --  nói chuyện với tôi, ông thú nhận, có vẻ như hơi buồn cười trước một cái tật của mình.

       Khoảng 1992, tôi giữ chân  phụ việc cho ông trong một chương trình nghiên cứu về văn hóa Việt Nam. Lúc ấy, Cát bụi chân ai vừa in năm trước và đang tái bản thêm nhiều lần, một hôm ông bảo :
     -- Tôi lại vừa đóng một tập giấy mới. Từ mai bắt đầu viết. Kể toàn chuyện đi thực tế sau Nhân văn, với lại chuyện làm tổ trưởng dân phố Hà Nội hồi chống Mỹ, rồi chuyện đi nước ngoài cả Nga la tư lẫn Ấn Độ, Ai Cập, đủ hết. Đặt tên là Những câu chuyện với ông Sóng.
    Sau này, khi in ra, cuốn sách mang cái tên Chiều chiều. Đúng như ông tự nhận, khác với Cát bụi chân ai tập trung  kể về Nguyễn Tuân, Chiều chiều lan man đủ thứ, vậy mà vẫn tạo một ấn tượng thống nhất về một cuộc sống lam nham dang dở. Thừa thắng xông lên, tôi gạ :
    -- Thả nào anh cũng phải làm một cuốn, viết từ thời đổi mới đến nay
    --  Thời này mình già, có đi đâu mà biết.
   -- Anh cứ kể những chuyện người ta đồn đến tai anh rồi anh nghĩ lại ra sao, thế cũng đủ hay rồi.       
    Tô Hoài không nói gì tiếp. Tôi chỉ biết chắc là ông vẫn viết, và với con người này thì  giữa chuyện đời sống và chuyện văn chương thường không có gì phân biệt, ở đâu thì cũng một cốt cách ấy, thiêng liêng có mà nhăng nhít ngơ ngẩn cái gì cũng đều có cả.

      Giấc mộng ông thợ dìu đánh dấu sự có mặt của ngòi bút Tô Hoài, cái nhìn Tô Hoài trong ngày hôm nay. Tác phẩm gồm  phần lớn các bài viết vặt đã in trên tờ Người Hà Nội và một số báo khác. Một thứ Chuyện mới tiếp vào Chuyện cũ Hà Nội sáu bảy trăm trang hồi trước.
     Hôm bắt tay vào biên tập, mới cầm bản thảo, tôi đã định kêu lên, sao lại thợ dìu, chắc thợ mộc đây, vậy thì viết thợ rìu mới đúng, vẫn cái tính ẩu của ông già đây mà. Bởi bản thảo Tô Hoài thường không thiếu lỗi chính tả, nên tôi nghĩ liều như vậy.
      May quá trước khi thò bút chữa, tôi đọc lại bài viết. Thì ra thợ dìu đây là các vũ sư nghiệp dư chuyên đi dạy nhảy đầm ở các lớp  khiêu vũ  hiện nay.
     Trong một bài phỏng vấn gần đây trên TT&VH, nhà văn già gần chín mươi vui vẻ khoe là chữ nghĩa của mình còn mới lắm, mình còn nhặt được khối chữ chỉ vừa xuất hiện  trong đời sống hôm nay. Mà còn chữ mới nghĩa là còn cảm nhận được cuộc sống mới.
      Chữ thợ dìu thuộc loại mà ông tự hào.
     
     Tôi ghi lại đây những gì mà Tô Hoài viết trong Giấc mộng ông thợ dìu :
     Những nếp sống có từ ngày xưa nay phôi pha hoặc biến dạng như chơi chim, chơi dế, đi hội.
    Một số thú chơi mới xuất hiện.
    Cảnh dô dô bốp bốp ngoài quán.
    Sự nẩy nở nhiều như kiến của  đểu trong mọi mặt sinh hoạt.
    Cảm giác hoang vắng trong một ngày cuối năm ở Bờ Hồ. 
    Cảnh người Việt di tản nay từ hải ngoại trở về trong các gia đình.
    Nạn dân ném đá lên đường tàu. Cái túi ny lông và việc phá hoại môi trường…
    Lịch lãm và lẩn mẩn. Tinh tế và vơ véo nhặt nhạnh. Vui đấy rồi buồn ngay đấy. Yêu thích sống trong nền nếp và chán chường trước những nền nếp trì trệ. Trân trọng quá khứ và biết rằng nhiều khi quá khứ chỉ đáng quên đi. Ham hố phiêu lưu thay đổi và không bao giờ ngạc nhiên trước mọi tàn lụi hư hỏng. Chăm chú quan sát mọi sự đang xảy ra và giữ cho lòng mình một sự dửng dưng dài dài …Bấy nhiêu sắc thái cùng lúc có ở văn xuôi Tô Hoài, làm chứng cho sự có mặt của nhà văn giữa đời thường. Dường như cái gì với ông cũng mới mẻ sinh động mà lại chẳng có gì lạ,  xưa đã vậy và nay còn như vậy.

       Nếu bạn còn đang phân vân không biết có nên đọc cuốn sách này của Tô Hoài không, tôi muốn bạn hãy bắt đầu bằng mấy mẩu ông viết về hội làng. 
      Chung quanh cái sinh hoạt văn hóa mà người ta thường ai cũng tự hào này, có những điều mà ngoài Tô Hoài chẳng ai dám nói.
      Ông kể rằng vùng ông xưa nay nhiều hội, nhưng toàn hội nhạt như nước ốc.
      Khá nhất có hội làng Đông thì cũng là dịp để các họ tranh chấp, trai gái đi hội để khoe khoang mấy thứ mốt mới học đòi và những cậu choai choai nhâng nháo chim gái hoặc đánh nhau. 
    Chính làng ông ở xưa nay đâu có hội, chỉ toàn đi xem nhờ thiên hạ. Làng mỗi năm vào đám một lần, nhưng cũng sơ sài tạm bợ, có năm mất trộm áo thánh “phải lấy vạt cờ đuôi nheo trùm lên ngai làm áo khoác cho thánh”.
      Xưa những gánh chèo mời về đám cũng toàn là phường kiết xác, mấy bác kép vừa hát xong chạy vội vào hậu trường, rệp rơi lả tả từ miếng gỗ làm chỗ cắm cờ đeo sau lưng.
     Nay việc làng do mấy anh cán bộ đi khắp thiên hạ về khởi xướng thì cũng chẳng khá hơn.
     Toàn thợ tế đi thuê ở các làng bên cạnh. 
     Còn ông chủ tế thì chữ nho bẻ làm đôi không biết, đến thánh hoàng làng tên gì cũng không biết nốt.
      Liệu tác giả có cần phải nói toẹt ra rằng lễ hội đúng là một thứ xã hội thu nhỏ?


 Đã in Thể Thao & Văn Hóa, 2007

Mới hơn Cũ hơn