VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Kỷ niệm 105 năm ngày sinh Thạch Lam (phần I)

                
 Thạch Lam sinh 7-7-1910 mất 28--6 - 1942. Vậy đầu tháng 7 này là dịp kỷ niệm 105 năm ngày sinh của ông.  Hai tiểu luận của tôi về Thạch Lam 
 Thạch Lam: Cốt cách một trí thức mới
 Thạch Lam : Tìm vào nội tâm tìm vào cảm giác
đã in trong Nhà văn tiền chiến và quá trình hiện đại hóa, 2006
Ngoài ra, trong những năm qua tôi còn một số bài ngắn viết về con người và tác phẩm của Thạch Lam, in lẫn vào các tập chân dung và phiếm luận, nhân dịp này xin được đưa lại trên mạng, sau khi đã có sửa chữa hiệu chỉnh so với bản in trên giấy các năm trước.

                              VỀ VỚI CỘI NGUỒN TỪ VĂN HÓA 

Hình như chỉ ngày hôm nay, những trang viết gắn liền với đời sống thanh bình của Thạch Lam mới hiện ra với đầy đủ ý nghĩa của nó

Một trong những đoạn văn hay nhất của Thạch Lam là đoạn viết về cốm, in trong Hà Nội băm sáu phố phường.
Cơn gió mùa hè lướt qua vùng sen trên hồ nhuần thấm cái hương thơm của lá, như báo trước mùa về của một thứ quà thanh nhã và tinh khiết. Các bạn có ngửi thấy, khi đi qua cánh đồng xanh, mà hạt thóc nếp đầu tiên làm trĩu thân lúa còn tươi, ngửi thấy cái mùi thơm mát của bông lúa non không? Trong cái vỏ xanh kia, có một giọt sữa trắng thơm, phảng phất hương vị ngàn hoa cỏ.
Điều kỳ lạ của mấy câu văn ấy là ở cái không khí mà chúng tạo ra, mỗi lần đọc lại, một cảm xúc thanh sạch được khơi dậy. Ta mang máng nhận ra ở đó, có những liên tưởng tốt đẹp với nhân dân, xứ sở, đến mức, đến mức… ta quên mất rằng, thực ra chúng được viết bằng một thứ ngữ pháp không thật thuần Việt, sản phẩm của một người đọc nhiều sách vở Pháp và có thể nghĩ bằng tiếng Pháp. 
Nhưng rồi nhiều người vẫn đối xử với đoạn văn viết về cốm ấy với nhiều ưu ái, thông cảm. 
Ấy cũng là cái thái độ mà người ta dành cho toàn bộ sản phẩm của Thạch Lam, bởi lẽ biết rằng ở thời của mình, đó là một ngòi bút có sự kết hợp nhuần nhị cả tinh hoa của văn hóa Đông-Tây và luôn luôn mang lại cho sự sáng tác một vẻ đẹp cao quý.

Từ  tây sang đông, tìm về truyền thống, tìm về dân tộc
Tuy chính thức có chân trong Tự Lực văn đoàn, nhưng sự xuất hiện của Thạch Lam, có phần muộn mằn hơn so với mấy người cùng nhóm. Mãi 1937, Gió đầu mùa, tập truyện  ngắn đầu tay của ông mới ra đời. Với tư cách là tác giả của những Hồn bướm mơ tiên, Đoạn tuyệt, Đời mưa gió, Nửa chừng xuân, bấy giờ, cả Nhất Linh lẫn Khái Hưng đều đã tìm được chỗ đứng của mình trên văn đàn. 

-- “Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa” 
– “Đem phương pháp khoa học áp dụng vào văn chương Việt Nam”
 – “Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ’ 
là những điều chính ghi trong tôn chỉ của nhóm Tự Lực. 
Có điều phải nhận trong khi thực thi công việc… mấy yếu nhân của nhóm đôi khi cũng làm nhiều chuyện quá ồn. Đọc một vài ý kiến cực đoan xuất hiện trên Phong hóa, Ngày nay, sau cái mừng vì người mình có thể bắt kịp thời đại, sống và cảm nhận hết những khía cạnh tốt đẹp của văn hóa phương Tây, nhiều người đương thời thuộc loại ưu thời mẫn thế không khỏi phấp phỏng lo ngại, không khéo cứ cái đà ấy mà kéo rồi xã hội ta đánh mất luôn chính mình, và trở thành bản sao của nền văn hóa phương Tây, dẫu sao cũng còn xa lạ.

Đặt vào hoàn cảnh ấy, mới thấy Thạch Lam xuất hiện như một nối tiếp hợp lý. Ông đã kịp đến để gặt hái những gì những người đi trước gieo cấy.
Về nhiều phương diện, ngòi bút viết nên những Gió đầu mùa, Sợi tóc… vẫn là đi từ văn hóa phương Tây mà trưởng thành lên. 
Người ta bắt gặp điều ấy qua những chi tiết làm nên tiểu sử đời ông, nền giáo dục mà ông chịu ơn, những câu văn còn phảng phất hơi Tây mà ông sẽ viết, những quyển sách, tờ báo đương thời từ bên Pháp gửi sang, mà ông thường nhắc tới, khi viết các bài báo nhỏ cho tờ Ngày nay. 
Nhưng sâu sắc hơn thế, Thạch Lam vừa tiếp nhận cái sáng sủa mạch lạc rất tiêu biểu cho văn chương Pháp, vừa thấm nhuần chất duy lý trong triết học Pháp. 
Óc phê phán thường trực nơi ông, nó có mặt cả trong sáng tác lẫn những bài viết về nghề văn, sau này tập hợp lại trong tập Theo dòng.

Người ta thường chỉ bảo nhau Thạch Lam là một ngòi bút tinh tế, mà quên rằng trong các tiểu luận, ông thường cũng hiện ra như một ngòi bút có những kiến giải như tổng hợp được từ bao hiểu biết sách vở, chẳng qua vì chúng được nói lên một cách dễ đàng nên ta tưởng mọi thứ đã sẵn như vậy.
Những nhận xét của ông (đại loại: “chúng ta có cái đời sống bên trong rất nghèo nàn và bạc nhược”, “Những phong trào ở nước ta, bất cứ phong trào gì, đều có một tính chung: là nông nổi, chỉ hời hợt bên ngoài. Cái mà chúng ta thiếu nhất là sâu sắc”…) đối với tương lai, vẫn có ý nghĩa một sự cảnh tỉnh.

Có điều, không chỉ so với các nhà văn thuộc Tự lực văn đoàn, mà trong cả “dàn nhạc” tiền chiến, Thạch Lam vẫn là người có khuôn mặt phương Đông rõ ràng và khả ái hơn cả. 
Trong cái thủ thỉ thân tình của giọng điệu, cái đạm bạc đơn sơ của đường nét, chất liệu làm nên tác phẩm, những ngụ ý theo kiểu “ý tại ngôn ngoại” bàng bạc khắp nơi, Thạch Lam tự trình diện với một phong thái giàu chất hàm súc, kín đáo, mà ở phía trời Tây, các nhà văn thường ao ước. 
Trên con đường tìm lại ảnh hưởng của thơ Đường, của ca dao, trong việc bấu víu vào những chất liệu thuần Việt, kiểu như Hoa bưởi thơm rồi đêm đã khuya (Xuân Diệu), Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp (Huy Cận), các nhà Thơ mới thấy ở Thạch Lam một người đồng hành đáng tin cậy, mà cũng đầy thách thức. 

Với Thạch Lam, hình như lẽ sống của văn chương không gì khác hơn những quan tâm đến cuộc sống quanh mình, những băn khoăn về bản sắc dân tộc, mà tự mình đặt ra, rồi lại tự mình tìm cách giải đáp. 
Từ Nhà mẹ Lê tới Hai đứa trẻ, từ Gió lạnh đầu mùa qua Cô hàng xén, một mô-típ được ông trở đi trở lại, là cái chất mòn mỏi, bình lặng ở cuộc sống đương thời. Trong khi nắm bắt cái hồn của thực tại chung quanh, ông không quên mang lại cho nó một chiều dày lịch sử, biết nhận ra từ đức hy sinh, vẻ tận tụy trong cuộc sống hôm nay cái hương vị của ngàn xưa. 

Rút cục thì với những người như Thạch Lam, văn hóa Tây phương không phải là cái đích. 
Từ những bậc thầy của văn hóa Tây phương ông sớm nhận ra những cái gật đầu đồng tình, khuyến khích: 
Các anh phải giữ lấy chất phương Đông của các anh! 
Các anh phải đến với chính dân tộc, với mảnh đất dưới chân các anh! 
Đó mới là công việc phải làm của người trí thức chân chính! 
Thạch Lam là một trong những ngòi bút tiên khu trong cái tiến trình văn hóa mà sau này một ngòi bút của nhóm Thanh Nghị là Đinh Gia Trinh sẽ tổng kết: 
Cuộc phục hưng ở xứ ta khởi đầu bằng một sự lựa chọn ôn tồn ở hai nền văn minh Á đông truyền thống và văn minh Tây phương với nhập tịch (thời kỳ báo Nam Phong) rồi nó đã đột ngột tới sự khinh miệt cái di sản tinh thần của nước nhà, sự ca tụng quá đáng và thiết tha những cái gì Âu Tây mang lại (thời kỳ Phong hóa, Ngày nay). Nay thái độ bồng bột ấy thay đổi và bọn trí thức đã trở lại tôn trọng những di sản của đất nước, những tinh túy của văn minh Á đông, trong khi tin tưởng càng mạnh là phải học nhiều của Tây phương để đi tới sự thành công trong việc xây dựng một nền tư tưởng và một nền nghệ thuật Việt Nam xứng đáng”.(trong bài Địa vị văn hóa Âu Tây trong văn hóa Việt Nam , trong Thanh Nghị một số đầu 1945)

Ý niệm về kẻ khác.
Trong số vài chục thiên truyện Thạch Lam đã viết, có một tác phẩm đứng riêng ra một góc, đó là trường hợp truyện ngắn Người đầm, ở đấy nhà văn kể chuyên một người đàn bà Pháp vào rạp chiếu bóng để ngồi vào ghế hạng nhì như một người Việt Nam bình thường. 
Trong cái nhìn của nhân vật xưng tôi trong truyện, người đàn bà ấy cũng buồn, cũng lặng lẽ, trầm mặc, và rất cô đơn giữa mọi người. 
Và phản ứng chi phối bà lúc ấy là cách phản ứng thường thấy ở nhân vật Thạch Lam: cố thu mình lại, âm thầm chịu đựng, gắng gỏi làm tròn công việc của mình, và cũng không bao giờ quên thông cảm thương xót với kẻ khác (nỗi ái ngại chân thành  mà bà dành cho đứa bé bán kẹo, khi ra khỏi rạp).
Thông thường người ta xem Người đầm là một cái gì lạc lõng so với mọi thứ được viết dưới tay Thạch Lam.
 Bị những ám ảnh thời sự chi phối, lại có người cho rằng đấy là một trong số ít ỏi những trường hợp nhà văn bộc lộ lòng căm ghét thực dân và chứng tỏ vai trò chủ nhân của mình. 
Song, có lẽ là hợp lý hơn, nếu đặt Người đầm vào cái mạch hòa nhập văn hóa Đông Tây mà chúng ta đang nói. 
Cuộc gặp gỡ bi thảm giữa hai dân tộc Pháp – Việt đã dẫn đến chế độ thực dân được xác lập ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX để rồi trở nên nguồn gốc những ác cảm khôn nguôi mà mỗi người chúng ta chôn chặt trong lòng, khi nghĩ về người Pháp. 
Nhưng bên cạnh chính trị, giữa các dân tộc còn có mối quan hệ văn hóa, ở đó hai bên xâm nhập vào nhau và để lại những hệ lụy kỳ lạ trong cả cộng đồng lẫn trong mỗi cá nhân. 
Những điều mà giờ đây, những bộ phim Pháp như Người tình, Điện Biên Phủ, Đông Dương đề cập tới là điều mà một trí thức như Thạch Lam đã thấp thoáng cảm thấy. 
Sự chín chắn về văn hóa (như được phác họa trong các phần trên) đã mang lại cho ông cái nhìn chừng mực trước mọi chuyện, và lòng dũng cảm vượt qua mọi mặc cảm cố hữu kể cả những mặc cảm khó vượt nhất. 
Đến lượt mình, sự chín chắn này lại đánh dấu một sự trưởng thành chung của cả xã hội thời ông sống. Về phương diện triết học mà xét, người ta bảo một chủ thể chỉ được coi là trưởng thành khi có được ý niệm chính xác về kẻ khác, và trước tiên là thấy trong kẻ khác đó những nét tương đồng với hình ảnh phóng chiếu của chính mình.

In lần đầu trong Những kiếp hoa dại 1993 và một lần đưa lên mạng
ở địa chỉ vuongdangbi.blogspot.com/2008/10/thch-lam_11.html


  BÓNG HOÀNG LAN MÁT RƯỢI

Một trong những dấu hiệu của một tác giả lớn là người ta luôn muốn đọc lại tác phẩm của nhà văn ấy và mỗi thời đại lại có thể tìm thấy ở tác phẩm của ông một ý vị mới.
Không biết chữ lớn có hợp với Thạch Lam không (ông vốn không thích những gì đồ sộ, to tát), song tìm ra những ý vị mới ở tác phẩm của ông thì là điều luôn luôn có thể làm được, nếu người ta muốn.

So với các nhà văn tiền chiến Nhất Linh và Khái Hưng, Ngô Tất Tố và Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng và Nguyễn Tuân thì Thạch Lam thuộc loại viết ít. Từ Gió đầu mùa (1937), Nắng trong vườn (1938), Ngày mới (1939) qua Theo dòng (1942), Hà Nội băm sáu phố phường(1943)... tổng cộng tất cả những gì ông viết ra đâu chỉ khoảng một ngàn trang sách.
 Tại sao lại có tình trạng ít ỏi như vậy? 
Vì ông mất sớm, khi mới 32 tuổi, ấy là một lẽ. Song lý do chính, phải nói là vì ông thuộc loại kỹ tính. Bản thân những điều ông  thường đề cập trong tác phẩm (tính cách cố hữu đời của dan tộc, những giá trị cao quý được tích tụ qua lịch sử, cái phần tốt dẹp không bị thời gian, không bị cuộc đời cơ cực làm phai nhạt..) đã đòi hỏi phải được đối xử một cách thận trọng chừng mực. Và cái giọng ôn tồn thường thấy ở Thạch Lam có lẽ lá thích hợp nhất để diễn tả những điều một người chín chắn như ông từng ấp ủ.

Đặt vào hoàn cảnh sống hiện thời, đôi khi người đọc hôm nay không khỏi cảm thấy văn phẩm của Thạch Lam có một chút gì như là lạc lõng. Ông nhất quyết không chịu chia sẻ cảm giác tốc độ mà con người hiện nay thường xuyên thể nghiệm. 
Trong khi chúng ta sống trong vội vã chụp giật, thì ông từ tốn, ý nhị. 
Trong khi con người hôm nay quay cuồng chạy theo lợi lộc trước mắt, viện đủ mọi lý do biện minh cho mình thì các nhân vật của ông đề cao đức hy sinh, thói quen sống chừng mực, gần như khổ hạnh, và không ngại nói đi nói lại rằng chỉ có một thứ mong manh mơ hồ, nhưng lại đáng ngưỡng mộ, đó là vẻ đẹp. 
Nay đang là thời nhiều người ngại ngùng trước mọi sự tinh tế. Người ta bảo nhau: “Cả trong đời sống lẫn trong sáng tác, phong cách cao quý, giọng văn thống thiết càng ngày càng bị quên lãng và thường khi bị đồng nhất với sự tô vẽ, giả dối”. 
Thật ra trong một khái quát như thế, không phải là không có rất nhiều sự thực. Đó là đúng với nhiều người. Nhưng vẫn phải trừ Thạch Lam. Người ta dễ nhớ đến ông, và dù không tạo ra “những đợt sóng ồ ạt”, vẫn đọc lại ông đều đều.
 Đọc để hiểu thời ông sống, cái đó chỉ là một phần. 
Song quan trọng hơn, đọc để hiểu rằng bao giờ cũng vậy, bên cạnh cuộc sống trần trần trước mắt, con người ta phải biết nghĩ tới một cuộc sống khác.
 Trong mối quan hệ từ tốn với bạn đọc, văn phẩm của Thạch Lam dường như luôn thầm thì với chúng ta một điều gì đấy. 
Lúc này, đọc sách không chỉ có nghĩa là tìm cái giống mình trong văn chương, mà đọc sách đôi khi lại là cách tốt nhất để tìm tới những gì mình không có hoặc hình như có, nhưng để đâu không biết, không khéo thì đã đánh mất từ lúc nào.
 Buộc người đọc phải nghĩ lại như thế, thực không phải dễ dàng.
 Song nó cũng là một việc cần thiết mà văn học phải đảm nhiệm, nhất là khi người ta còn muốn tìm tới cái cơ may mà mọi người cầm bút thường vẫn ao ước, là tạo ra sự trường tồn cho trang viết.
In lần đầu trong Chuyện cũ văn chương 2001

Mới hơn Cũ hơn