VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Hai cuốn tiểu thuyết Nguyễn Bính viết thời tiền chiến

 Nhiều nhà thơ nổi tiếng  thời kỳ 1940-1945 đồng thời có viết văn xuôi. Thâm Tâm đã viết Thuốc mê. Trần Huyền Trân đứng tên sau các tiểu thuyết Sau ánh sáng, Bóng người trên gác kinh. Anh Thơ có Răng đen.
Về phần mình, Nguyễn Bính từng cho in nhiều kỳ trên báo rồi in thành sách hai cuốn là Ngậm miệngHai người điên giữa kinh thành. Ngoài ra theo một số bạn bè tác giả kể lại ông còn có cuốn Không nhan sắc; nhưng tôi chưa biết, nên ở đây chỉ nói tới hai cuốn trên.

Ngậm miệng (tròn 100 trang khổ sách thông thường ) là một thứ tiểu thuyết độc thoại. Nhân vật xưng tôi trong truyện tự kể lại mối tình của mình với một cô gái tên là Oanh. Nhưng đó là tình yêu một phía, tình không được đáp lại.
Thậm chí người con trai cũng chưa một lần dàn mặt trò chuyện với người mình yêu.
Hết đứng đón để được thấy bóng dáng của nàng, chàng lại qua nhà đêm tối, trời mưa cũng đứng gần nhà nàng, chờ trong nhà... tắt đèn.
 Giận dỗi vì bất lực, hai lần chàng bỏ đi. Lần lên Thái Nguyên rồi ốm tương tư đã gần chết. Lần vào tận đồng đất Nam bộ xa xôi.
 Nhưng đi xa ít lâu chàng lại về trong tuyệt vọng. Vì Oanh vẫn không hề đoái hoài. Đúng ra, Oanh không thể gọi là một nhân vật trong Ngậm miệng đơn giản là vì Oanh không tự thân xuất hiện.
Phần đầu tác phẩm, có đoạn tả Oanh đi lấy chồng, khiến nhân vật xưng tôi đứng nhìn mà xiết bao đau đớn. Nhưng đó không phải cảnh thật mà chỉ do chàng yêu quá, ngồi tưởng tượng ra.
Gần cuối truyện có chương Động phòng hoa chúc dạ, tả ngày cưới của hai người nhưng chẳng qua cũng là câu chuyện ở trong giấc mơ, khi một mình chàng thi sĩ đang lăn lóc ở nơi phương trời xa lạ nằm mơ rồi vẽ ra trong đầu.
Cuối truyện, nhân vật xưng tôi giận dữ nói với một người bạn:
--Nếu bây giờ tôi gặp Oanh, câu đầu tiên của tôi là bảo với nàng rằng: “Oanh ơi! Oanh có biết không? Quả thật tôi không yêu Oanh một tí nào cả”.
***
Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội dài hơn (139 trang) và có vẻ nhiều chất tiểu thuyết hơn.
Hai nhân vật chính trong truyện là Tuấn và Điệp. Cả hai là những thi sĩ trẻ, nhưng đã trải qua nhiều đau đớn trên đường tình ái, nên rất bi quan mỗi khi bàn về phụ nữ.
 Theo Điệp và Tuấn “linh hồn họ đục như bùn và lòng họ đen như than” (họ đây là phụ nữ nói chung!)
Một lần, chán quá, hai người nghĩ ra trò chơi kỳ cục: mua hoa xuống nghĩa trang thành phố - bấy giờ là nghĩa trang P.T ( Phúc Thiện ?) ở gần Bạch Mai để xem có cô gái trẻ nào mới chết thì... đặt hoa lên mộ.
Từ đó, cả Tuấn và Điệp đều hết lòng yêu Hoàng Lan, cô gái mà họ không hề biết mặt và đã chết từ mấy tháng trước. Điều này khiến bạn bè của họ như thi sĩ Trần, Quang... đều bảo họ điên.
Tình cờ, một lần xuống mộ, hai chàng gặp mẹ và em gái Hoàng Lan. Họ mời Tuấn cùng Điệp đến chơi, rồi về gia đình trọ luôn thể.
Nhưng đang sống trong mộng, bỗng nhiên một lần Điệp bắt gặp trong tấm gối cũ của Hoàng Lan - mà chàng thường gối - một xấp thư và ảnh. Hoá ra, trước khi chết, Hoàng Lan đâu phải trong trắng như Điệp đã tưởng.
 Báo tin cho Tuấn biết chuyện này mà lòng Điệp đau như dao cắt.
***
Đương thời, mối tình si của Nguyễn Bính với một cô gái tên là Oanh ở Hà Đông đã được nhiều người chứng kiến.
 Trong hồi ký Những gương mặt, ở bài viết về Trúc Đường, Tô Hoài kể: “Một hôm, vào lúc chập tối, đương đi ở phố Hàng Bông, Nguyễn Bính bấm tôi: Oanh đấy! Oanh đấy! Tôi nhìn sang bên kia hè. Trời ơi! Oanh! (...) Một cô gái mặt tròn như chiếc bánh đúc chít khăn sa tanh đen kiểu các cô bán cau khô, hàng xén chợ tỉnh. Mà cái chàng “khách thơ” Nguyễn Bính đâu có quen biết gì người ta cho cam! Hình như chỉ biết là con một ông ách ông quản gì đó ở Hà Đông. Thế mà cứ rối cả lên”.
 Nhưng ở đây, chúng ta không bàn đến chuyện nhân vật Oanh trong đời thường xấu hay đẹp, Oanh có yêu Nguyễn Bính hay không.
 Điều quan trọng hơn đối với người nghiên cứu lịch sử văn học: con người Nguyễn Bính bộc lộ qua mối tình này ra sao.
Nếu sự vắng bóng của Oanh trong Ngậm miệng có vẻ làm hại tới tác phẩm về mặt tiểu thuyết, thì để bù lại, nó tạo ra một khoảng trống để buộc Nguyễn Bính khai thác bản thân tỉ mỉ hơn.
Qua thiên truyện này, ta được đọc những trang ông tự kể về quê quán ông (làng Thiện Vinh, có “thổ sản” rau cần và chuyên nghề làm bún), gia cảnh ông (mẹ mất sớm, thiếu người chăm sóc, lúc nào cũng cảm thấy “bị chôn sống giữa một gia đình hiu quạnh như bãi tha ma”).
Lá thư nhân vật xưng tôi gửi cho ông anh Hữu Cương - có thể hiểu là thư Nguyễn Bính gửi cho nhà viết kịch Trúc Đường - là một đoạn tự bạch thành thực và cảm động. Trong khoảng 8 trang sách, Nguyễn Bính đã nói gần như đầy đủ về mình và gia đình mình.
Ngoài ra, trong nhiều trang sách, người ta bắt gặp những ý tứ mà sau này Nguyễn Bính sẽ đưa vào thơ. 
Chẳng hạn ở trang 22 tiểu thuyết Ngậm miệng Nguyễn Bính viết: “Tôi phụng thờ nàng hơn các vị tăng ni phụng thờ đức Phật, tôi tôn sùng nàng gấp mấy người ta tôn sùng một tôn giáo. Tôi luôn luôn tụng kinh vì nàng, nhưng là tụng kinh ân ái”.
 Đọc đoạn này, người ta không khỏi nhớ tới mấy câu kết bài Lời yêu đương.
Ai yêu như tôi yêu nàng
Họp nhau lại, họp thành làng cho xinh
Chung nhau dựng một trường đình
Thờ riêng một vị thần linh là nàng.
***
Chất mơ mộng vu vơ của Ngậm miệng  cũng thấy rõ trong tiểu thuyết Hai người điên giữa kinh thành.
Tuy nhiên, cuốn sau cũng có một số nét khác , đáng gọi là bổ sung cho cuốn trước.
Nhà thơ Hoàng Tấn cho biết, Nguyễn Bính thường tự nhận tiền thân của mình là bướm, và từng lấy bút hiệu là Điệp Lang. Trong thơ ông, mô típ con bướm nhởn nhơ phong tình thường trở đi trở lại. Nhân vật Điệp trong Hai người điên giữa kinh thành có nhiều nét nhang nhác con người Nguyễn Bính hàng ngày:
--cũng lối dễ xúc động “trông người con gái nào cũng thấy đẹp”, “gặp người con gái nào cũng nói ầm cả lên là yêu tha thiết yêu mặn mà”;
-- cũng những cảm giác sâu nặng về xã hội truyền thống, vừa nhìn rặng hoa hoè điểm chấm vàng đã nhớ ngay chuyện ngày xưa sĩ tử đi thi ra sao.
Vậy đã rõ Điệp chính là Nguyễn Bính. Thế còn Tuấn, và Trần, Quang, hai người bạn làm thơ khác?
Theo chúng tôi tìm hiểu, Tuấn ở đây chắc chắn là hình ảnh của Thâm Tâm. 

Tên thật của Thâm Tâm là Nguyễn Tuấn Trình, thì chữ Tuấn chắc rút ở đấy ra, đấy là một lẽ.
 Lẽ thứ hai quan trọng hơn:
Tuấn ở đây, cũng như Thâm Tâm ở ngoài đời, đều là loại người khắc khổ, nhìn đời một cách bi quan. Tuấn cũng từng yêu một cô gái trẻ, tên là Khánh, trong tình yêu cũng xen vào hình ảnh những bông hoa ti-gôn “dáng như tim vỡ”, rồi cô gái cũng bỏ đi lấy chồng, khiến Tuấn đời đời ôm hận.
 Toàn là chi tiết mượn từ đời riêng Thâm Tâm, trong đó có mối tình Thâm Tâm với T.T.Kh.
Còn Trần thì không ai khác, là Trần Huyền Trân. Bộ ba Nguyễn Bính- Thâm Tâm- Trần Huyền Trân gắn bó với nhau từ hồi viết Tiểu thuyết thứ năm và báo Bắc Hà, một mối gắn bó mà Nguyễn Bính từng mô tả “không đào viên kết nghĩa - nhưng cũng thành tam anh”.
Vả chăng, thời tiền chiến nếu có một thi sĩ nào mà thơ “điêu luyện, cổ kính, đẹp như một bức tranh Tàu”, như Nguyễn Bính tả trong Hai người điên giữa kinh thành, thì người đó phải là Trần Huyền Trân.
Sau hết, còn ai là Quang, một người bạn nữa của Tuấn và Điệp, chỉ hiện ra với mấy nét thoáng qua trong tác phẩm? Tác giả cho biết “Quang có gia đình êm ấm ở Hà Nội, nhưng lại thích đi giang hồ. Giang hồ đây chỉ có nghĩa là đi liêu biêu, nay đây mai đó để được làm thơ nhớ quê hương, nhớ mẹ, nhớ chị, nhớ tình nhân và nhớ hết mọi người.”
 Đây nữa, là chi tiết “thân hình anh to nhớn như voi, nhưng tính khí lại như đàn bà, rất hay khóc”. 
Nhà văn Tô Hoài nói với tôi: Quang đây là Phạm Quang Hoà một cây bút của nhóm Bắc Hà.
***
Ngoài tiểu thuyết, Nguyễn Bính còn viết truyện ngắn. Tôi chưa được đọc , nhưng nghe một nhà nghiên cứu cho biết, thì năm 1944, trong thời gian ở Sài Gòn, Nguyễn Bính có truyện ngắn Không đất cắm dùi in ở tờ báo Thanh niên Đông Pháp, được báo này tặng giải nhất trong một cuộc thi.
Trước đó, hồi nhà thơ đang ở Hà Nội, tác phẩm văn xuôi ký tên Nguyễn Bính in rải rác trên các báo cũng có khá nhiều. Bản thân chúng tôi mới sưu tầm được một truyện ngắn độc đáo của Nguyễn Bính mang tên Nước hồ sen. Tác giả đề rõ mình viết truyện này ở đền Yên Phú, Hà Đông và cho in năm 1940.

Nhưng hãy trở lại với Ngậm miệngHai người điên giữa kinh thành. Bất kể chất lượng nghệ thuật thế nào, cả hai cuốn tiểu thuyết này là những tài liệu quý. Giá trị của chúng là giúp ta hiểu thêm Nguyễn Bính và bạn bè cùng làm văn nghệ đương thời.
 Ở  một nước như nước Nga trước 1991, các tác giả lớn thường được làm riêng những bộ  toàn tập, có tính hàn lâm, trong đó in lại từ các dị bản khác nhau của các tác phẩm, các bản nháp, các sổ tay ghi chép hàng ngày của ông nhà văn lớn kia.
Chỉ những bộ sách ấy mới dành chỗ cho loại tiểu thuyết như Ngậm miệng Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội nói trong bài này.
Ở ta chưa ai nghĩ cần làm những loại toàn tập đó cả,  nên loại sách tương tự như hai cuốn nói trên của Nguyễn Bính chắc vẫn chỉ nằm nguyên trong một bộ sưu tập nào đó.

In lần đầu trong Chuyện cũ văn chương 2001



Mới hơn Cũ hơn