VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Ghi chép trong tuần ( 27/10 –2/11/2014)

27-10
Nhân hiện tượng truyện ngôn tình Trung quốc
Sự bung ra của loạt sách này làm cho một số người sốt ruột. Một vài nhà nghiên cứu có chút hàn lâm lấy làm khó hiểu nêu ra những câu hỏi. Đại loại hỏi tại sao có tình trạng đó? Tại sao lớp trẻ lại có sự lựa chọn như thế? Về khách quan tại sao các nhà văn không lên tiếng về một thứ văn chương gần với rác rưởi, tại sao những người phụ trách ngành văn hóa văn nghệ lại thờ ơ với tai họa và hình như lại đã có chủ trương cho phép rộng rãi.

Tôi mạn phép giải đáp:
-- Với bạn đọc trẻ VN lúc này nói chuyện lựa chọn nghiêm túc là quá xa xỉ. Chán chường trước những cái người trong nước viết thì họ tìm sách dịch. Và chán những cái dịch nghiêm túc—xa lạ và khó hiểu - thì họ tìm những cái tầm thường. Thị hiếu họ lang thang theo hướng thấp dần. Trong trường hợp này người đọc trẻ mua sách cũng đang như người Hà Nội ra chợ mua hàng Trung quốc. Biết nó chả ra gì, nhưng được cái giá rẻ. Cũng từng ấy tiền, người mình còn không làm nên cái mặt hàng coi được nữa là.
-- Về phía các nhà văn. Tại sao họ không lên tiếng ư? Họ cũng đang bí. Đã có những “nhà văn” mình xoay ra làm hàng kiểu này, nhưng có ai viết được đều đều và trở thành tác giả hẳn hoi như mấy đồng nghiệp lôm côm bên Tầu?
- Về các nhà quản lý. Họ chả có chủ trương gì rõ ràng cả. Họ chỉ lo các nhà xuất bản và các nhà sách tư nhân ra được nhiều sách và nộp thuế , thế là họ mừng rồi. Cuối năm, trong các báo cáo lên trên họ vẫn viết lại đủ thứ thành tích như các năm trước. Có ai đọc những báo cáo đó của họ mà sợ.

29-10
Chuyện cắt xén văn chương
Khi điểm lại các tài liệu liên quan đến Tự lực văn đoàn, gần đây một số nhà văn nhà báo ở hải ngoại đã lưu ý là nhiều tác phẩm của Nhất Linh và Khái Hưng bị Hà Nội in lại với nhiều đoạn cắt xén vô lý.
Ồ chuyện gì chứ chuyện cắt xén người xưa thì dân xuất bản chúng tôi ngày trước làm như cơm bữa. Cứ gì các ông Tự lực văn đoàn, bao nhiêu ông khác lớn lao không kém cũng bị chúng tôi vầy vò.
Không biết bây giờ anh Lại Nguyên Ân có còn giữ được các bản sưu tầm các bài báo của Phan Khôi ở dạng mới chụp được ở Thư viện ra không.
Chứ như chỗ tôi nhớ, lúc làm biên tập các tập đầu của cụ Phan, in ra ở nhà xuất bản Hội nhà văn, tôi đã theo lệnh Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nguyễn Phan Hách cắt đi nhiều đoạn, nói cụ thể là những đoạn liên quan đến các nhân vật nổi tiếng và các xu thế lớn trong đời sống chính trị sau 1945.
Khôi phục lại những đoạn bị cắt ấy, tôi tin Phan Khôi sẽ hiện ra ít nhiều có khác, so với hình ảnh ông hiện nay.
Có một điều phải nói thêm là tâm lý chúng tôi khi làm cái việc nhảm nhí đó khá lạ. Giá kể ở các nước khác, người biên tập bị buộc làm việc phi pháp phải từ chức luôn mới phải. Đằng này chúng tôi rất thản nhiên, chẳng những thế, còn tự hào nữa. Tự hào là dẫu sao mình cũng đưa được ông Phan Khôi ra với mọi người. Cương với cấp trên ấy à, vứt hết.

30-10
Thế nào là con người trưởng thành?
Phần mở đầu cuốn Giáo dục nhân bản Kitô giáo của linh mục Gian B. Trần Thái Vân Nxb Tôn giáo 2012, mang tên Khái niệm về giáo dục và trưởng thành nhân bản. Sau khi bảo rằng người ta có thể kê khai những đặc tính tiêu biểu của con người trưởng thành chứ không thể thu gọn ý niệm trưởng thành vào một công thức cố định, tác giả cũng đưa ra một vài đường nét chung như là đặc điểm của con người mẫu mực
--sự tự lập
--tinh thần hiện thực
--sự thắng vượt của lý trí trên mọi bản năng, xung động và tình cảm
--sự hướng về về kẻ khác, tinh thần xã hội .
-- thế quân bình

Đặc điểm cuối cùng này – sự quân bình — theo tác giả, được coi là yếu tố quan trọng nhất của nhân cách và tác giả viết thêm Đặc điểm nổi bật nhất của nhân cách trưởng thành là sự toàn thiện và hòa hợp của mọi yếu tố làm thành một thực thể quân bình, trái ngược với sự rã rời và thác loạn của một tình trạng ấu trĩ hay bệnh hoạn. (sđd tr 9)
Tôi tự cắt nghĩa cho mình, quân bình quan trọng vì có năng lực tông hợp, thiếu nó thì từng yếu tố nói trên cũng vô nghĩa. Đòi hỏi có một nhân cách toàn thiện và hòa hợp e là cao quá. Sự quân bình ở đây luôn luôn là sự cân bằng động. Nó là nhân tố có vai trò tổ chức các nhân tố khác, do đó là nhân tố hàng đầu.

1-12
Chuyện cũ Liên xô
Quốc hội họp. Nhiều người trông chờ rồi nhiều người thắc mắc. Sao ông nghị nọ lại nói thế, trình độ ông ta đến đâu? Muốn tìm một thước đo chung về các đại biểu đó khó quá.
Để giải đáp cho một bạn trẻ thắc mắc “sao lại có tình trạng thế ”, may qúa, tôi tìm thấy một tài liệu nước ngoài, cuốn văn tuyển Lịch sử văn minh thế giới của Stravrianos, do công ty Văn Lang tổ chức và lấy giấy phép ở nxb Lao động 2006. Hai tr 411-412 sách này dành để nói về bầu cử Xô viết tối cao ở nước Nga xô viết 1958, do một người Mỹ đến thăm Moskva viết lại. Ông này thắc mắc đủ các vấn đề mà vấn đề lớn nhất là tại sao không có những cuộc tranh đua nào trong cuộc bầu. Cuối cùng ông mới vỡ nhẽ:
--Những đại diện được chọn không phải để cầm quyền. Họ được chọn vì những đóng góp trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đại biểu là cô gái đạt kỷ lục trong nuôi bò sữa, thợ quét sơn lành nghề, các nhà khoa học những nhà thám hiểm và những công chức cấp cao của Đảng.
Hơn năm chục năm sau, bên ta có tân trang đôi chút, nhưng cái cốt cách xưa vẫn còn, nên bàn việc nước kiểu ấy, có gì là lạ.

Tuổi già không đầu hàng
Hồi nhỏ, tôi nhớ trong Quốc văn giáo khoa thư có một bài liên quan đến người già. Đó là bài viết đại ý kể trời nhá nhem chạng vạng tối (tôi thích nhất hai chữ chạng vạng), một ông già còn hì hục lăn một hòn đá từ giữa đường vào bên lề. Ông vừa bị vấp. Ông không muốn thấy ai vấp như thế nữa.
Hôm nay, trong một buổi chiều cơn mưa vừa tạnh, tôi bắt gặp một ông già đi dọc mấy cửa hàng nhậu.Tay ông cầm một cái gậy nhỏ, đầu gậy có buộc một thỏi nam châm. Ông dùng cái gậy để nhặt những nút bia trên đường. Với mỗi nút bia nhặt được, ông cẩn thận dùng tay gạt vào một cái túi xách. Hỏi thì nghe ông bảo là ngồi buồn đi nhặt chơi thôi.

Chuyện xảy ra ở Sài Gòn, chỗ ngã ba Nguyễn Văn Đậu – Nguyễn Thượng Hiền Phú Nhuận. Ở Hà Nội chúng tôi thì không bao giờ còn những ông già như thế nữa.
Mới hơn Cũ hơn