VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nguyễn Công Hoan và những cái nháy mắt tinh nghịch

Lời dẫn
Khi quá chán chường trước các sáng tác mới in hai chục năm nay,-- và cả phần lớn những bài thơ những thiên truyện in ở Hà Nội 1945-1986  mà một thời đã say mê đã ngấu nghiến -  tôi  thử tìm lại văn chương tiền chiến, bao gồm từ các nhà văn Tự lực văn đoàn  tới Nam Cao Vũ Trọng Phụng...
Niềm tự tin được tìm trở lại.
 Tôi phải dằn lòng khi chia tay những trang sách  mà ban đầu chỉ định ghé qua đó và tự nhủ sẵn sàng đọc lại.
Thử đặt cho mình câu hỏi đâu là chỗ khác giữa hai nền văn học đó.
 Câu trả lời: văn học thời nay thích giáo huấn quá. Còn văn học trước 1945 thường dừng lại ở chỗ chỉ ra cho mình đời là thế và không muốn lèo lái lôi kéo hướng dẫn người đọc gì thêm nữa.
 Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan là một ví dụ. Đọc ông luôn luôn cảm thấy như bắt gặp cái nháy mắt tinh nghịch, đời là thế đấy, tôi biết tỏng đi rồi, các anh hãy nghe tôi chứ chớ nghe những thằng bịp dỗ ngon dỗ ngọt. 
Chưa bao giờ tôi quá say ông. Nhưng vẫn cứ sa đà, cầm các tập truyện ngắn của ông lên là phải đọc, đọc xong còn ngẫm nghĩ tìm xem đâu là mối  liên hệ giữa những điều ông viết với  cuộc sống trước mắt.

Khoảng hai chục năm nay, việc  đọc văn chương với tôi thêm ý nghĩa mới: phân tích tính cách người Việt hiện đại, với những thói hư tật xấu vốn hình thành từ lâu trong lịch sử và còn kéo dài đến ngày hôm nay.
 May quá, tôi tìm thấy ở truyện ngắn Nguyễn Công Hoan nhiều ví dụ” kinh điển”.
Không phải cách nhìn của nhà văn này là duy nhất đúng. Ông chỉ có những mẫu nhất định. Người nghiên cứu cần biết đến cả các mẫu khác của  Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Lê văn Trương Nam Cao…
Nhưng đúng là trong bảng pha mầu người Việt, người ta không thể quên Nguyễn Công Hoan.
 Trong  tấn hài kịch nhân gian mà ông trình bầy, người Việt thường hiện ra  với nhiều nét không thể thương được. Lười biếng dối trá. Tham lam càm quắp.  Giầu thì bỉ ổi mà nghèo thì nhếch nhác hèn hạ. Khi diễn tả lại, ở ông thấy toát lên sự dửng dưng  với một  lời khẳng định đời là thế, người mình là thế.
Lối khinh thế ngạo vật, khinh bạc, hư vô, bi quan đến cùng cực trước sự đời, của ông cũng mang rõ chất Việt Nam mà chúng ta cần tìm hiểu.
Với nền nghiên cứu của Hà Nội,  một thời gian dài, người ta gọi đó là cái nhìn tự nhiên chủ nghĩa  và không quán triệt lập trường giai cấp.
 Tuy nhiên ngày nay nhìn lại, chúng ta thấy là Nguyễn Công Hoan có lý của mình. Dù không có ý thức đầy đủ, nhưng thực sự là ông đã sớm bắt tay vào việc phơi bày  bản sắc dân tộc để phê phán.

Bài viết dưới đây được viết từ hai chục năm trước. Nó chưa nói hết được ý nghĩa tác phẩm  Nguyễn Công Hoan  theo hướng trên tôi vừa nói. 
Đưa lại trên blog, tôi chỉ muốn nhân đây ghi nhận thêm một điều: các thói hư tật xấu mà chúng ta đang nói hôm nay thật ra đã cố kết trong người Việt từ nhiều đời, sách vở các thế hệ trước đã ghi lại khá đầy đủ. Chẳng qua các nhà nghiên cứu lịch sử xã hội  ở ta sau 1945  làm ngơ đó thôi.
 Lại càng thấy có thể khai thác văn học tiền chiến theo nhiều cách khác nhau, chứ không phải chỉ có cái cách ta đã làm rồi đem giảng dạy ở nhà trường mấy chục năm nay.
Trạng là một loại nhân vật đặc biệt của văn học dân gian Việt Nam, biểu tượng tập trung của trí thông minh và cách sống khôn ngoan mà những người dân bình thường vốn ưa thích. Dù sống ở thời nào và khoác tên gì, song các nhân vật trạng đều giống nhau ở chỗ tinh ranh ma quái, giỏi biến báo, và nhất là giỏi đối đáp. Trước những tình thế khốn quẫn, những nghịch cảnh trớ trêu, họ linh hoạt tìm ngay được cách thích ứng. Không làm gì, nhưng họ biết tất cả. Không để bị ai lừa, họ còn luôn luôn "đi guốc trong bụng thiên hạ". Lại cũng do biết nhiều quá, nên một triết lý hư vô thường cũng phảng phất trong cách nhìn đời của các trạng. Óc thực tế chắc chắn cộng với một trí tưởng tượng hồn nhiên thường trực, đã giúp cho các trạng nhìn đâu cũng thấy chuyện buồn cười, dù sau khi cười, họ cũng không biết làm gì hơn!
Trước khi trở thành nhân vật của các truyện cười dân gian, các loại trạng nói trên đã thả sức tung hoành trong xã hội trung cổ Việt Nam nhiều thế kỷ. Sang thời hiện đại, trong khi các truyện trạng trong quá khứ bắt đầu được sưu tầm ghi chép, thì các trạng hiện đại tiếp tục hành nghề. Lại có những nhà văn hấp thụ được cái mạch truyện cười dân gian đó để viết đều đều, chẳng hạn như trường hợp Nguyễn Công Hoan, cây bút cả đời sống đạo mạo trong nghề dạy học, song vẫn mang tâm hồn nghịch ngợm trẻ trung của một thứ trạng hiện đại.


Tấn kịch nhân gian
Có nhiều dấu hiệu khác nhau để xác nhận sự vững vàng và lý do tồn tại thật sự của một ngòi bút, song dấu hiệu quan trọng nhất có lẽ là khả năng của ngòi bút đó trong việc áp đặt một cách nhìn đời riêng cho bạn đọc. Thế giới do nhà văn tạo nên có thể lớn có thể nhỏ. Nhưng thế giới đó phải có sức sống nội tại, phải thống nhất lại theo những quy luật riêng, cái cung cách riêng mà chỉ nhà văn đó mới có.
Trong giới cầm bút ở xứ ta thế kỷ này, Nguyễn Công Hoan thuộc về một số ít ỏi những người tìm được lý do tồn tại thật sự như vậy.
Từ cách khái quát hiện thực, cho tới cách dựng truyện, cách tìm nhân vật, cách đặt câu dùng chữ, văn ông luôn luôn có một thần thái riêng trộn không lẫn.
 Mà nguồn gốc của tất cả những cái làm nên thần thái riêng ấy là một lối nhìn đời theo kiểu trạng dân gian trên kia đã nói.
Vào các trang sách của ông, cuộc sống xã hội Việt Nam thuở giao thời hiện lên với không biết bao nhiêu là vớ vẩn nhảm nhí.
Đám nhà giàu mới nảy nòi, nhố nhăng lố bịch (Cô Kếu gái tân thời, Nỗi lòng ai tỏ, Một tấm gương sáng).
 Bọn quan lại keo bẩn ngu dốt, sẵn sàng làm bất cứ việc gì xấu xa, miễn bóp nặn được người dân và thăng quan tiến chức (Thật là phúc, Cái nạn ô tô, Xuất giá tòng phu...).
Sự suy đồi phong hóa diễn ra ở khắp mọi nơi, trong mọi gia đình (Mất cái ví, Nỗi vui sướng của thằng bé khốn nạn...).
Từ thành thị đến nông thôn những người dân thường túng bấn, nghèo khổ, chìm đắm trong cảnh tối tăm vô nghĩa (Sáng chị phu mỏ, Thanh! Dạ, Quyền chủ, Chính sách thân dân...).
Bằng một cách nói có phần táo tợn, trong cuốn hồi ký Đời viết văn của tôi  (in ra năm 1971, lúc nhà văn đã 68 tuổi), Nguyễn Công Hoan từng nhiều lần trình ra những "đức tính" bẩm sinh chẳng có gì hay ho của mình lúc còn trẻ, nào là "khinh thế ngạo vật" "nghịch ngợm ranh mãnh", thích tìm những thói xấu của người chung quanh để trêu ghẹo, đôi khi trở thành bất nhẫn "hư đốn, mất dạy" (sách đã dẫn, các trang 42, 45).
Trong những lời lẽ đó, không phải chỉ có chút ít thậm xưng, mà còn rất nhiều sự thực. 

Bàng bạc sau các câu chuyện tức cười là một khái quát thản nhiên về thói đời đen bạc. Ở đời có ai tốt bụng với ai đâu, người ta chỉ tỏ ra tử tế khi cảm thấy có lợi, giống như người đàn bà nọ, hết lòng trông nom một người ốm chỉ vì biết chẳng bao lâu người ốm đó sẽ chết, và mình sẽ xin được mái tóc (Tôi xin hết lòng).
Hoặc ông chủ nhà đòn đám ma mang lê táo đến thăm một gia chủ, cốt để xí phần trông nom ma chay (Một tin buồn).
Bởi vậy, sẽ là ngớ ngẩn, nếu ta tin ở những lời hứa hão, như lời hứa trở về của người vợ đi du học ở nước ngoài (Thế là mợ nó đi tây), hoặc lời mời chào của một kẻ thị dân trong cơn túng quẫn (Thằng điên).
Theo cách trình bày của Nguyễn Công Hoan, sự nông nổi phải được xem như một thứ bản tính thứ hai của con người. Với sự nông nổi ấy, người ta đã làm bao tội ác mà không hay biết. 
Tình thế trớ trêu chẳng khác cảnh đám lính huyện lỵ nọ hùa nhau chôn sống cười cợt trên sự đau đớn của một con ngựa già, hoặc một ông tri châu bắn bừa bắn bãi sáu mạng người - thực ra là những kẻ vô tội - sau đó vu cho họ là giặc, và đi báo quan trên lĩnh thưởng.
 Không phải ngẫu nhiên, trong hồi ký, Nguyễn Công Hoan kể lại rằng khi đi học, có lần thầy giáo ra đầu bài "ở đời anh có hy vọng gì", ông đã viết có mỗi một câu có tính cách trơ tráo "ở đời tôi không có hy vọng gì cả", rồi đem nộp.
Để hiểu cái đành hanh khinh bạc trong nhiều truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, có lẽ nên xem mẩu chuyện bâng quơ đó như một thứ chìa khóa đích thực.
Khinh bạc, hư vô, bi quan đến cùng cực trước sự đời, nên trong nhiều tác phẩm, ông đã đứng ra vạch vôi vào những gì gọi là giá trị, là tốt đẹp, từ vẻ nghiêm chỉnh của một ông giáo (Thầy cáu) tới cái mải miết của một kẻ đi theo dõi các hành tung nghi vấn (Cái lò gạch bí mật), từ sự trịnh trọng của một ông đồ già viết phúng điếu (Xin chữ cụ nghè) cho tới những lời quảng cáo của một gánh hát nghèo nơi tỉnh nhỏ (Đào kép mới). Với Nguyễn Công Hoan, hình như bao giờ cũng thế, không có gì mới trên đời này cả!

Kẻ sống bên lề
Trong số các nhà văn Việt Nam sống và viết ở thế kỷ XX, Nguyễn Công Hoan thuộc loại viết khỏe, viết nhiều bậc nhất.
Truyện dài đã in của ông lên tới trên 30 quyển, bao gồm cả những tiểu thuyết dài dài và nổi tiếng bởi những lý do khác nhau như Tắt lửa lòng, Lá ngọc cành vàng, Bước đường cùng.
Truyện ngắn - lĩnh vực bộc lộ đầy đủ văn tài của ông - cũng vậy, số lượng những cái ông đã cho in đâu những trên 200, mà riêng số thật hay, thường được in đi in lại cũng đến dăm sáu chục.
Vào dịp Nguyễn Công Hoan lên lão 60, với tư cách một kẻ hậu sinh, một cậu học trò, nhà văn Tô Hoài đã ghi nhận "Lực lưỡng như một tay đô vật không có địch thủ, từ Kiếp hồng nhan tới nay, truyện ngắn truyện dài Nguyễn Công Hoan sừng sững tạo thành một thế Tam Đảo Ba Vì hùng vĩ, vượt qua cả hai thời kỳ, tiến vào Cách mạng tháng Tám" 
(Kiếp hồng nhan là tập truyện ngắn đầu tay của Nguyễn Công Hoan in ra năm 1923; hai thời kỳ nói ở đây là trước và sau 1930).

Ấy vậy mà trước sau Nguyễn Công Hoan không sống hẳn về nghề văn. Nghề tay phải của ông vẫn là nghề dạy học.
Chẳng ai ngăn cản, mà chủ ý của ông là vậy. Nghe người ta gọi mình là nhà văn, ông thấy ngần ngại. Nguyễn Công Hoan chỉ nhận mình là người viết văn, thế thôi! Mỗi lần có thể được, ông đều tìm cách làm ngược những điều thiên hạ quen hình dung về các nhà văn, coi đó làm vui.
Ví như xưa nay ai cũng nghĩ người viết văn phải đọc sách nhiều. Thì ông công khai bảo là rất ngại đọc sách, có những cuốn rất nổi tiếng đã cầm lấy rồi, cũng chỉ đọc ít trang rồi bỏ.
Người ta chỉ có thể hiểu được những điều ấy, nếu nhớ tới cá tính riêng của Nguyễn Công Hoan và nhất là đặt con người ông, nhân cách ông, trong mối quan hệ với cái môi trường mà ông chịu nhiều ảnh hưởng. 
Thời gian hình thành tính cách của ông là hai chục năm đầu của thế kỷ. Tuy lúc ấy chế độ thực dân đã được xác lập để dần hướng xã hội theo hướng tư bản, song tàn tích phong kiến còn rất nặng.
Bản thân Nguyễn Công Hoan lại lớn lên trong một gia đình quan lại, loại quan nhỏ, sống có phần thanh bạch. Lý tưởng phong kiến - ở cái phần thanh cao tốt đẹp - cộng với cảm hứng dân gian lành mạnh đã giúp cho ông một thái độ sống có lương tri, thương người nghèo, ghét kẻ giàu, nhất là luôn luôn cười giễu những cái xấu xa dơ bẩn.
Nhưng quan niệm phong kiến về văn hóa vốn nghiệt ngã. Nó rất ghét những gì gọi là phi chính thống vượt ra ngoài khuôn khổ. Nói chung thì đó là một quan niệm hẹp hòi khô cứng. Có lẽ là do tâm thức ăn sâu những quan niệm kiểu đó, nên một người thạo viết quen viết, sinh ra để viết, như Nguyễn Công Hoan, chỉ coi những chuyện mình viết ra là để cười cợt cho vui, mà không phải việc nghiêm chỉnh.

 Mặt khác, cũng phải nhận là vào thời Nguyễn Công Hoan viết nhiều viết khỏe, nghề viết văn ở Việt Nam chưa ra quy củ nền nếp gì cả.
Những điều mà Nguyễn Công Hoan mang rêu rao (nào là ở đây "như một cái chợ", quá nhiều kẻ tầm thường theo đuổi những cái danh hão; nào là "một dạo người ta sợ những người làm nghề cầm bút như sợ... hủi") không phải là không có lý.
Quá trình dân chủ hóa trong xã hội bấy giờ vừa mới bắt đầu thì đã bị làm hỏng. Cách nhìn cao ngạo, lối sống bên lề mà Nguyễn Công Hoan lựa chọn là một cách phản ứng trước thời đại.
Sự phản ứng ấy lại nhiều phần phù hợp với bản chất tự do của sự sáng tạo và cũng ăn nhịp với xu hướng vận động của lịch sử, nên đã góp phần giải phóng ở Nguyễn Công Hoan một sức làm việc dồi dào mà mỗi lần nghĩ tới, không ai là không kính phục.

Đã in TT&VH 1993, in lại trong Cánh bướm và đóa hướng dương,1999

Mới hơn Cũ hơn