VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

CHỢ TRỜI -- Du ký vui của Khái Hưng


    Trong dư âm của cuộc kỷ niệm 80 năm Tự Lực Văn đoàn, nhiều bài nghiên cứu bình luận và các chứng cớ  tài liệu đang được liên tục công bố trên các mạng.
    Chúng tôi cũng xin góp phần vào việc này bằng việc giới thiệu dưới đây một bài báo của Khái Hưng viết năm 1940. 
      Bài viết miêu tả khá linh hoạt không khí sinh hoạt đầm ấm trong nội bộ các cây bút thuộc văn đoàn và các cộng tác viên gần gũi. 
       Ngoài ra theo ý chúng tôi, rất đáng chú ý là đoạn cuối, nó cho thấy các thành viên TLVĐ đã sớm ý thức được sứ mệnh của mình trong lịch sử, do đó về sự bất tử của nhóm mình. 
        Vụt ra khi đối đáp với hai đứa trẻ, cái câu cuối cùng Thế là chúng tôi cũng sẽ bất tử cả không chỉ là một lời nói đùa.

Đường đi
Chúng tôi đã chơi chợ tết và chợ phiên. Nhưng đó đều là chợ trần, tanh tưởi mùi thịt cá, hôi hám mùi thịt người. Nay nhân tiết xuân ấm áp, hương xuân phảng phất trong không, nhựa xuân bồng bột trong cây cỏ, chúng tôi cao hứng rủ nhau đi chợ trời một phen.
Và hôm 13 tháng ba tây mới rồi chúng tôi đã lên Chợ Trời, trên ngọn núi Thầy, bằng... ô tô -- hai chiếc ô tô máy nổ rất hùng của hai bạn Hoàng Đạo và Như Tiếp, do hai bạn lái lấy, tay lái cũng rất hùng. Đi chợ trời, đường thiên san vạn thuỷ, ngoắt ngoéo hiểm nghèo, chứ có phải tầm thường đâu! Chỉ non tay lái một tí là chết dễ như bỡn!
Kể tay lái thì cố nhiên không non rồi, chỉ phải cái díp xe hơi non một tí thôi: trên con đường đất vào chùa ai nấy đều bị sóc, bị lắc, bị dãn xương thịt. Nhưng cũng đến nơi được, thế là may lắm .
Trước khi tới chợ trời, chúng tôi phải qua một cái chợ trần, người họp đông quá khiến chúng tôi đi chậm lại và hai anh Luyện, Tiếp phải thay nhau xuống quay máy liền liền, vì xe các anh chỉ quen xông pha "đường trường", chứ hễ bắt nó đi chậm là y như nó giở quẻ ì ạch, bất kham.
Rời ô tô, chúng tôi dùng chân leo tới chùa trên. Chùa ở lưng chừng núi, đường lên cũng chả khó khăn lắm. Thỉnh thoảng chúng tôi dừng lại ngắm xuống, và có vẻ kiêu hãnh rằng mình đã lên cao. Những mái chùa ở ven chân núi qua cành đại già cỗi, mốc thếch phảng phất giống những nét vẽ trong một bức thuỷ hoạ Tàu. Đứng trên trông xuống bao giờ cảnh cũng Tàu, - anh Luyện bình phẩm.
Sư văn sĩ
Vào chùa trên, chúng tôi lưu ý ngay đến một điều: sư cụ Như Tùng trụ trì chùa Thầy là một văn sĩ thông ba thứ chữ: Nho, Pháp, và cả Nam. Chúng tôi thấy nhan nhản viết, đục trên biển gỗ, trên vách đá, trên tường vôi những tác phẩm của sư cụ, lời văn thống thiết, bi ai khiến chúng tôi... mỉm cười. Tôi có nhớ một mẩu câu Pháp văn, xin chép ra đây để độc giả cùng thưởng thức: "... des os que les pélerins foulent aux pieds et cassent même" Dưới ký: Như Tùng, bonze en chef.
Hang Thánh hoá
Không rõ hang Thánh hoá thời nàng Xuân Hương, thì:
Lườn đá cỏ leo sờ rậm rạp,
Lách khe nước rỉ mó lam nham
như thế nào, chứ ngày nay, chúng tôi chỉ thấy một con đường lát gạch Bát Tràng, và cái bể con hứng giọt nước rỉ, mó chẳng lam nham nữa. Còn lườn đá thì bị những bài thơ, bài phú của các ông nghè, ông cử khoa dậu, khoa mão mặc kín mất cả sự trần truồng, sự rậm rạp thiên nhiên.
Chợt nghĩ tới hai câu luận của bài thơ Xuân Hương, tôi liền rủ Tú Mỡ cùng vào bái yết sư cụ, để tiện thể xem rõ mặt bậc văn sĩ tu hành. Nhưng nào đâu còn như xưa:
Một sư đầu trọc ngồi khua mõ
Hai tiểu lưng tròn đứng giữ am!
Sư cụ chỉ bệ vệ ngồi trên sập, thò đầu qua cửa sổ để nhận lấy cái chào của chúng tôi.
Chợ trời
Trước khi ăn uống, chúng tôi lên chợ trời.
Nhất Linh bàn nếu gặp tiên sẽ mời xuống cùng chén rượu hồ đào nhắm với gà quay. Tôi thêm:
- Dễ thường bác Tản Đà cũng có ở đấy, chúng ta sẽ nhờ bác giới thiệu với chư tiên.
Nhưng sau hơn mười lăm phút khó nhọc leo trèo, chúng tôi đến một ngọn núi lởm chởm những đá nhọn, tua tủa những lá sắc dứa dại. Và ở giữa một khoảng vuông nhỏ bằng mặt cái bàn, - nơi chư tiên "thường" xuống đánh cờ! - người ta xây một cái mốc bằng xi măng, cái mốc của sở lục lộ. Đó là tất cả chợ trời, cái chợ trời mà cô Xuân Hương yêu dấu của chúng ta đã lên chơi và đã đề vịnh:
Hoá công xây đắp biết bao đời
Nọ cảnh Sài Sơn có chợ trời
Buổi sớm gió đưa, trưa nắng đón.
Ban chiều mây họp, tối trăng chơi.
Bày hàng hoa quả tư mùa sẵn,
Mở phố giang sơn bốn mặt ngồi.
Bán lợi buôn danh, nào những kẻ,
Chả lên mặc cả một đôi lời!
Chẳng rõ có ai bán lợi mua danh lên đấy không, nhưng bác Tản Đà thấy  hạ giới văn rẻ như bèo đã một lần kĩu kịt gánh thơ lên bán chợ trời. May mà đó chỉ là một giấc mộng. Chứ nếu là sự thực, thì thất vọng đến thủa nào nguôi!
Chừng bị cái không khí tiên gợi nguồn cảm hứng, Hoàng Đạo cất tiếng ngâm:
Tưởng tượng hôm nay tới chợ trời,
Đánh cờ, uống rượu với tiên chơi.
Rồi ngừng bặt: nguồn cảm hứng chỉ chảy được tới đó. Nhưng đã có thi sĩ Tú Mỡ nối điệu thành một bài thơ thất ngôn thập nhị cú:
Lên chơi chợ trời
Tưởng tượng hôm nay tới chợ trời,
Đánh cờ uống rượu với tiên chơi.
Trèo đèo khấp khểnh chân trầy trật,
Leo giốc quanh co gối mỏi rời.
Chợ họp: lô nhô toàn những đá.
Hàng bày: lủa tủa rặt cây gai.
Cờ tiên nào thấy bàn đâu nhẻ?
Lục lộ còn trơ cột đó thôi!
Ngán nỗi người tiên đầu mất hút
Bực mình khách tục bở hơi tai
Thôi đành kéo xuống trần gian vậy
Cơm nắm, gà quay, chén thảnh thơi
Tiên
Và chúng tôi kéo xuống trần gian. Chúng tôi giải khăn lên cỏ, bày món ăn ra khăn, rót rượu ra cốc rồi làm cái việc rất thần... tiện, việc ăn uống.
Ngà ngà say, tôi hỏi đùa mấy thằng bé dẫn đường:
- Các em có thấy tiên xuống núi bao giờ không?
Một đứa cười hóm hỉnh trả lời:
- Tiên có xuống nữa thì mình nhìn thấy sao được?
- Vậy em chỉ nhìn thấy người đến đây? Có cả con gái nữa chứ.
Nó vui vẻ thuật cho chúng tôi nghe những bữa tiệc ầm ỹ của người Pháp ở miếng đất vuông chúng tôi đương ngồi ăn:
- Ăn xong người ta vặn máy hát và nhảy đầm.
Hết chuyện người Pháp đến chuyện người Nam, chuyện một cặp trai gái lên thăm chùa rồi chừng thấy mình bỗng hoá thành tiên đưa nhau ra đó tình tự, tình tự một cách quá thân mật đến nỗi thằng bé phải chạy đi mách sư bác tới can thiệp.
Bất tử
Hai thằng bé chuyện vui quá. Chúng nó đều là nghệ sĩ non cả, hay ít ra cũng là bạn dẫn đường của nghệ sĩ. Chúng nó luôn luôn đọc đến những trên rất quen thuộc cậu Vân, cậu Trí, cậu Nhị, cậu Cung, cậu Trù, ông Nam Sơn và cả ông Inguimberty nữa. Chúng nói "ông Inguimberty" nghe thân mật quá, tưởng như chúng là học trò yêu mến của ông giáo người Pháp. Nhờ chúng, những cái tên lớn lao kia sẽ mãi mãi, lưu truyền lại hậu thế, sau khi những bài thơ, bài phú trên sườn hang Thánh hoá nét khắc đã mờ, vì
Trăm năm bia đá thì mòn
Nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ
Thế là các hoạ sĩ bỗng dưng sẽ trở nên bất tử.
Tôi có ý nghĩ ấy. Và mỉm cười tôi giới thiệu từng tên trong bọn chúng tôi với hai đứa trẻ dẫn đường. Chúng chăm chú nhẩm học thuộc những cái tên mà có lẽ chúng cho là rất ngộ nghĩnh. Rồi mấy hôm sau biết đâu chúng nó không khoe với khách thập phương: "hôm nọ cậu Nhất Linh, cậu Hoàng Đạo, cậu Khái Hưng, cậu Huy Cận, cậu Luyện, cập Tiếp uống rượu ở đây. Ăn xong, cậu Nhất Linh và cậu Hoàng Đạo có thổi ống tiêu và ống địch"
Thế là chúng tôi cũng sẽ bất tử cả.

báo Ngày Nay số ra 23-3-1940
Mới hơn Cũ hơn