VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Vẻ đẹp tàn tạ -- Hà Nội tháng 6/1973

1/6
   Hoa phượng. Hoa phượng đỏ, khắp thành phố ngoảnh về phía nào cũng thấy phượng. Phượng kết thành tấm thành mảng và dầy mãi lên như một niềm oan nghiệt.
  Tại sao hoa phượng đỏ trong mùa hè, lại làm cho lòng cảm động. Bởi mùa hè nồng nóng thế, mà sao vẫn đẻ ra một thứ hoa đẹp như thế? Cuộc đời càng buồn, thì trời đất càng đẹp, nó là hiện thân cái câu mà chúng ta vẫn nói -- cuộc sống chỉ có một lần.
    Quên làm sao được hoa phượng trong những buổi chiều. Anh có biết không, khi ấy mặt trời đã tắt, mọi thứ như tối sầm lại, vậy mà phượng vẫn sáng bừng lên. Màu đỏ của phượng bây giờ như một cái gì ma quái -- Làm sao lại có một thứ màu sắc kỳ dị như vậy nhỉ? Phượng lấy sắc đỏ ở đâu ra ? Hay phượng là cái phía bung ra bất cần của cuộc đời, phượng là một cái gì rất nghệ sĩ -- tôi nghĩ vậy.
   Sao năm nào, trời đất cũng đẹp, và hình như càng trưởng thành, thì người ta càng thấy trời đất đẹp hơn.
    Không phải tôi không yêu thiên nhiên. Tôi chỉ sợ thiên nhiên đánh thức trong tôi những khao khát sống. Thà cứ bắt tôi đứng giữa cuộc đời bình thường, những người đàn bà tham lam, những người đàn ông hèn hạ, những bông hoa tả tơi nhàu nát tôi lại còn thấy dễ chịu – khi ấy tôi cảm thấy cuộc sống là vừa phải. Đằng này lại là cái thiên nhiên của hoa phượng chói chang.

2/6
     Nói với ĐCTính  
    Con người hiện đại khác con người trước kia có lẽ là ở chỗ nó uyển chuyển hơn. Nó biết đầu hàng. Nó biết chịu đựng. Nó không xa lánh mọi chuyện. Nó nhập cuộc, dù thấy đời nhầy nhụa nhớp nháp cũng nhập cuộc. Và sau tất cả những cay đắng ấy, nó vẫn tìm cách thể hiện mình.
    Người nghệ sĩ mới tham gia vào những vấn đề chính trị rồi lại đứng tách ra để mà phán xét.
   Trong lời giới thiệu những nhân vật như Voznhesenski, Evtouchenko... bao giờ cũng thấy người ta nói tới hai mặt ở họ: cái hay và cái dở, cái thật và cái giả, ánh sáng và bùn lầy!

    Chúng tôi khổ vì chúng tôi là những thanh niên, tức những người ở vào cái thời gian tập làm chủ mình. Nếu chúng tôi đã lớn tuổi, đã yên bề vào một vị trí nào đó, thì chúng tôi sẽ cam chịu.
   Đằng này không phải thế. Chúng tôi ở vào cái tuổi tự do. Nhưng ai dám bảo đã có đủ điều kiện để người ta sử dụng cái quyền đó một cách tốt nhất.

Nói với Kiểm
    Những người lính bây giờ mang nhiều thói xấu mà cuộc sống chiến tranh cố kết lại trong họ. Họ đã mất đi khả năng tự nhận thức. Thành thử nếu chỉ đi với lính, anh không sao hiểu được họ.
    Người ta chỉ có thể hiểu được người lính, khi đặt họ trong thế đối lập với hậu phương. Hậu phương sẽ làm nổi họ lên. Hậu phương là cội nguồn của mọi biến động thời chiến.

    Một cái vé đi xem biểu diễn ca nhạc, một bữa ăn đủ chất? Không,  những đòi hỏi bình thường thế, trong thời chiến là quá cao. Bây giờ chúng tôi không có nhà mà ở, không có đường mà đi. Nhìn vào lòng đường các nước khác xem. Tất cả ngăn nắp trật tự, mọi người có chỗ của mình. Lòng đường của chúng tôi bây giờ bụi bậm bẩn thỉu, người đi chen chúc, người nào cũng cố vượt lên trước. Đường là hình ảnh của xã hội.

     Nghiêm Đa Văn kể ông Phạm Văn Đồng bảo ở Việt Nam bây giờ, không ai làm việc của mình cả. Người ta bắt thầy giáo và học trò làm đủ mọi việc, trừ việc dạy và học.
    Nhận xét của kiều bào ở nước ngoài về: Ở miền Bắc làm việc tốt cũng như việc xấu. Làm cũng như không làm.

8/6
     Tôi vừa kính phục những người khắc khoải và bất mãn, vừa ghê sợ. Bởi trái tim chịu được dày vò, đó là một trái tim phải lớn lắm, phải khỏe lắm. Tôi không có một trái tim như thế .
   Níetzsche hay nói tới các siêu nhân nghĩa là những kẻ vượt lên con người thông thường. Shakespeare chẳng hạn.
    Trong nhà viết kịch người Anh, người ta bắt gặp bao nhiêu cuộc đời bao nhiêu số phận. Ông là tổng số của những kẻ đó. 
     Những người bình thường đơn giản hơn nhiều.
     Song đó là chuyện của các thế kỷ trước.
     Nay là lúc ở con người bình thường cũng có không có bao nhiêu chuyện, bao nhiêu vấn đề được đặt ra. Thành thử lại có thể nói không có con người nào là  bình thường. Con người nào cũng đặc biệt, rất đặc biệt.
      Nói theo thuật ngữ văn học, tôi ngỡ phân tích cho kỹ lưỡng, con người bình thường nào cũng là con người điển hình, cũng mang những đặc điểm của giới anh ta, xã hội mà anh ta sống.
     Như là một cá nhân, tôi quằn quại xem có thể làm thế nào, để tìm đường cho mình, thấy những lẽ phải của mình, để mình có thể yên tâm. Hầu như chả ai có thể giúp được tôi, tôi kinh sợ.
     Hình như ở một quyển sách nào đó, có nói đến khái niệm Tôi, bây giờ,...
      Một câu thơ nào đó, bắt đầu bằng mấy chữ: Tôi, bây giờ... Chỉ có thế mà thỉnh thoảng nghĩ lại, cứ giật mình. Đó là một cảm giác thường trực phải có. Tôi, bây giờ, cảm giác của thay đổi, cảm giác của một người từng trải, đã có những ê chề.

     Anh đến xin việc một nơi, một người chủ Pháp sẽ hỏi: Anh có bằng cấp gì?
    Một người chủ Đức: Anh biết những gì?
    Một người chủ Mỹ: Anh có những kinh nghiệm gì?
.,.

      Và ở Việt Nam hôm nay, những người phụ trách, những người mách mối hỏi: Anh có quen ai ở đấy không? Anh có phải là đảng viên không?

9/6

    Nói với chị Yên, em không biết mua bán thế nào. Trông cái gì cũng thấy giả dối.
-- Đến tôi cũng không biết mua, chứ không phải chỉ có cậu. Mua cái gì cũng phải lâu, cũng phải chọn, nhìn qua loa đã mua là y như về vứt đi.
  Cái tình trạng này bao trùm từ chuyện đời thường tới chuyện chính trị.

 So sánh hai miền, không biết ai nói đầu tiên, ông Khải nhắc lại:
   - Chúng ta từ chính nghĩa, hoá ra phi nghĩa. Nó ngược lại. Bây giờ không một thằng lính nào phía bên kia  có mặc cảm là Việt gian, là nguỵ cả.
   - Không biết chừng, lúc nào nó tuyên bố xây dựng socialism. Trước tiên, nó tuyên bố quan hệ với Trung quốc chẳng hạn...
        Rồi có cái hư danh, nó cũng lấy nốt của mình, chứ không phải chỉ có cái thực đâu.
     Không biết chừng, nó lại làm vẻ vang cho dân tộc Việt Nam.
...
   Bàn về lòng tin, Nguyễn Kiên bảo giờ mình chỉ còn có cách là tin vào người dân thường. Tôi bác lại:
   - Không, người dân thường bây giờ cũng bị tàn phá rồi tàn phá đến khủng khiếp. Không còn những thói quen cũ. Không còn lễ nghĩa phong kiến. Không còn sự tự trọng tối thiểu.
   
     Làm sao khỏi chán bây giờ, ông Kiên nói tiếp và đây là câu nghe được này:
     -- Riêng ở trường hợp tôi – tôi nghĩ đúng là nhiều lúc chỉ chán quá, đến mức, chán cả cái chán của mình, rồi thôi, -- bấy giờ mới lại làm việc được.

12/6
    Tham gia việc vận tải ở miền Bắc có tới 2 vạn xe. Mà trong đó  47-53% xe chạy không.
   
   Một tờ báo ở Sài Gòn nhận xét ở Hà Nội, dần dần, mọi chữ nghĩa mất hết ý nghĩa. Mọi kế hoạch bị lãng quên.

   Xuân Sách:
-- Nhìn các nước, thấy mọi chuyện bên trên nó có thay đổi, nhưng ở dưới, người ta vẫn làm việc một cách bình thường
    Còn ở mình, cứ dồn mọi người vào cả một đống. Con người bị đánh thức, việc gì cũng xông vào. Cả nước làm chính trị, cả nước dòm ngó xét nét nhau. Cho nên không ai dám tính chuyện thay đổi. Chỉ cần chững lại một chút, là tất cả nổ tung hết.
  
    Để làm cho người ta sống bình thản, cái công cụ chủ yếu mà xã hội này sử dụng là làm cho người ta tê dại. Người ta khổ, nhưng không còn sáng suốt nhận ra sự khổ sở của mình. Tức là vẫn nghĩ rằng mình sung sướng, có lý luận như vậy. Mặc cảm làm chủ. Mặc cảm biết tất cả mọi điều. Khả năng tự lừa dối. Như người thủ dâm.

 15/6  
    Lính ở chiến trường, vùng tiếp giáp, nói chuyện với lính địch, không ai bắt, mà cũng dối trá. Nói rằng ngoài Bắc sung sướng. Lính được về phép (bằng ô tô). Cho nó cả đồng hồ. Tết, cho nó ăn bánh chưng, rồi tự mình nhịn.

   Hoàng Hưng: Thời mới hoà bình này là thời gian của những sự dò dẫm lẫn nhau. Trên dò dưới, dưới dò trên. Nghiêm Đa Văn bảo ở dưới, cứ chửi bới, cãi nhau lung tung trước cấp trên, nhưng sau đó, có miếng ăn, thì cả bọn trên cũng như dưới lại nịnh nọt nhau, xoa dịu nhau.

17/6
    Khải: Trước kia mình cứ thắc mắc, sao mình không bằng nó. Bây giờ  hiểu rồi, phong kiến phải thua tư bản, thì tất nhiên rồi. Bây giờ, mình cứ định bắt họ (dân Quảng Trị) trở lại vùng giải phóng, làm ăn kiểu phong kiến như mình, họ không chịu đâu.
Cũng như, ở ngoài này, cách mạng nó ăn vào mình rồi, bây giờ có quay trở lại những nền nếp cũ, chính mình cũng không chịu được.

     Đỗ Chu: ở xã hội mình bây giờ, chỉ thấy cái xấu nó quá đường bệ, nó đàng hoàng đứng đó, không làm gì được.
     Việt Nam --tức là miền Bắc bây giờ-- mang đủ những chứng xấu của chủ nghiã tư bản, cả phong kiến và cả chủ nghĩa xã hội .Thế giới bây giờ, tất cả hội lại, mang nhãn hiệu Việt Nam.
      Có lẽ vào những ngày này, chiến tranh mới bộc lộ hết cái độc hại của nó. Học sinh học hành chểnh mảng ư ? Vì chiến tranh. Xã hội vô nguyên tắc ư? Vì chiến tranh.
   Trẻ con được dậy không biết sợ là gì để sau này đi đánh nhau cho dễ.Nó học quá nhanh, nên bây giờ nó làm loạn.
     10 năm nay, chúng ta chỉ nói với nhau một điều duy nhất là hãy đi đánh nhau  -- Thế thì còn biết làm sao?
  Tất cả chúng ta đã bị thương, trong cuộc chiến tranh vừa qua.
 
    Bây giờ thì chúng ta mới hiểu chiến tranh là xa lạ với bản chất con người thế nào. Chiến tranh là đáng nguyền rủa. Định hướng chiến tranh trong những năm vừa qua đã trở thành quốc sách. Giờ nó trả thù. Mà không ai biết  nó sẽ dai dẳng theo ta đến tận bao giờ.

     19/6
Trẻ con chơi, hát

Rồng rồng rắn rắn
Bắt con rắn qua sông
Bắt con rồng qua bể
Bắt con kiến lẻ loi
Này người bạn tôi ơi
Bắt lấy thằng đuôi chó.

     20/6
    Đến nhanh quá cái vẻ sớm tàn của hoa phượng.
  Ngày nào, cách đây, độ một tháng, hoa phượng nở. Bấy giờ phượng vồng lên những cánh mập mạp. Có một lần, tôi thấy một đứa trẻ cầm một cành phượng, nặng trĩu những hoa là hoa. Thế mà, chưa đầy một tháng phượng đã héo tàn rã rượi, chỉ còn bám hờ trên những cành lá xanh. Màu đỏ thẫm lại. Cả những con người những sự việc cũng thế , chóng nở, chóng tàn, mà khi tàn thì day dứt mãi.

23/6
    Sao mà cuộc đời đẹp một cách đáng sợ, đẹp đến làm ta bàng hoàng. Bão xa ở đâu không biết, đây chúng tôi đang sống những ngày hè tuyệt vời. Thành phố như một vùng ven biển. Nắng rất trong. Gió rất nhẹ nhưng gió lúc nào cũng có. Gió mơn man trên da người. Gió như sự có mặt của hạnh phúc.

     ... Đi đến đâu, tôi cũng gặp những biểu tượng của lòng ham sống. Người tràn ra đường, những cô gái rất đẹp, một cô bé nào cái cúc áo trên cùng không cài để ngỏ he hé cái cổ măng tơ. Những em bé lôi nhau ra đường chơi bóng, chơi một thứ trò chơi gì đó, phải cõng nhau rồi ném bóng cho nhau. Một cụ già mặc áo dài vào thư viện đọc sách chữ Hán. Một đôi thanh niên nam nữ đèo nhau, bàn tay người con gái tìm bàn tay người con trai, hai bàn tay nắm lấy nhau, trên một chiếc xe đạp. Và em tôi, đứa em kém tôi 13 tuổi, nay cũng đã bước vào tuổi yêu đương. Nó cũng có bạn gái đến nhà, cũng thương nhớ, ngần ngại.

25/6
 Cùng Nguyễn Khải nói về lớp trẻ :
- Nên đi, nên viết, đây đang là thời của các ông. Phải phiêu lưu.
- Đúng đây là cái chữ mà chúng tôi cũng đang tìm. Có những thằng như thằng Vũ nó đã nói nó sẽ vào vùng Giải phóng, nếu cần, nó sẽ vào thành. Tôi không dám làm việc đó. Nhưng anh cũng công nhận phiêu lưu nhất là sang phía bên kia chứ gì?
-... Ờ (lặng đi một chút). Này, nhưng mà mình đọc sách của nó nhiều đến nỗi tuy chưa sang bên kia, mình cũng có thể hình dung được rằng sống ở phía bên kia là không chịu nổi... Ví như mình phải có gan đạp lên đầu người khác cơ.
- Tôi cũng đã nói với Vũ như thế. Tôi bảo mỗi cá nhân là nhỏ bé quá. Và hình như thế này, những con người bình thường sống ở bên này là phải. Chỉ những con người tài năng thì mới có thể sống ở bên kia. mà tôi thì không có tài.

Cái chuyện Vũ nói với tôi trên là có thật.
 Làm thế nào, không chừng, lại đánh nhau nữa chứ không vừa đâu, Vũ bảo.
 Tôi cãi lại không, bây giờ có đánh nhau nữa cũng thế, mà không đánh nhau nữa cũng vậy. Chúng ta đã biến thành tù nhân vĩnh viễn của chiến tranh rồi.
 Vũ lại bảo đi thôi. Bây giờ thì xã hội này không phải chỉ có một hai chỗ không ra sao, mà tất cả đã là không ra sao rồi.
Tôi phải giở con bài cuối cùng. Tất cả mọi chuyện tôi đều đồng ý với ông. Nhưng chỉ là do cảm tính. Phải sống mới biết. Ác cái cuộc sống không bao giờ cho phép người ta ướm thử cả.


Hữu Mai : Tôi có nghi ngờ hiện tượng, nhưng cái nguyên tắc, thì tôi vẫn công nhận. Ví như duy vật biện chứng và duy vật lịch sử.
Nhàn: Nguyên tắc tôi cũng thấy có vấn đề. Duy vật biện chứng thì đúng, nhưng còn duy vật lịch sử? Có nhiều cái phản duy vật biện chứng. Những vấn đề quan hệ cá nhân - quần chúng, còn lúng túng lắm. Mà đây lại là chuyện con người đối mặt hàng ngày.



Mới hơn Cũ hơn