VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Tương lai mọi cái sẽ tốt lên

Lời cáo lỗi
Sau đây là một bài báo của một tác giả nước ngoài mà tôi đã copy lại và đưa vào kho tài liệu lưu trữ cá nhân từ mấy năm trước.
Đến chính tác giả là ai và bản tiếng Việt in ở nguồn náo ai dịch tôi cũng quên không ghi.
Trong lúc tôi đi vắng, em tôi Vương Trí Đăng-- một cộng tác viên của tôi -- không biết, nên đã đưa bài này lên mạng, không kèm theo ghi chú, khiến cho bạn đọc hiểu lầm.
Tôi xin có lời thành thật cáo lỗi.
Lẽ ra tôi phải lập tức dỡ bỏ bài báo, nhưng vì đọc lại thấy nó hay, và gần với những suy nghĩ của mình nên xin phép cứ để lại đây để bạn đọc tham khảo
15-4-2013
   
  Một trong những đức tính tôi luôn có dịp nhận thấy ở người Việt Nam, đó là họ có một niềm tin đặc biệt tích cực vào tương lai. "Mười năm nữa, mọi thứ sẽ tốt hơn", bạn có thể nghe ví dụ như vậy. Hoặc thỉnh thoảng: "Năm năm nữa mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn" hay "Hai mươi năm nữa mọi thứ sẽ tốt hơn lên."


Những câu nói như vậy thường nổi lên, ví dụ như, khi người ta bàn luận về tình trạng giao thông. Hoặc về sự ô nhiễm môi trường. Hoặc về đói nghèo. "Hai mươi năm nữa, chúng tôi sẽ có một hệ thống giao thông cực tốt và có trật tự như ở châu Âu!", người tiếp chuyện với bạn sẽ nói như vậy chẳng hạn, và sau đó gương mặt anh ta ngời sáng lạc quan. Khi mà ngay trước đó, anh ta vẫn đang buồn rầu bực bội, cho rằng giao thông ở Hà Nội hỗn loạn và luôn luôn tắc đường. Nhưng chậm nhất là hai mươi năm, khi có đủ tiền, và kinh tế phát triển, tất cả đường phổ rộng rãi hơn, Hà Nội có tàu điện ngầm mới toanh và hiện đại, ai cũng đi xe ô tô, khi đó tất cả mọi thứ sẽ tốt hơn.

Điều này, một mặt, đó là một đức tính rất đáng ngưỡng mộ. Đặc biệt khi một so sánh với người Đức, là những người lúc nào cũng luôn tin rằng năm tới tất cả mọi thứ sẽ tồi tệ hơn. Cũng giống như, quả đúng là tất cả mọi thứ năm này đều tồi tệ hơn nhiều so với năm trước.


Tuy nhiên, đấy cũng là một đức tính có chút gì đó đáng lo ngại, bởi vì nó dẫn tới một tác động ngược, nghĩa là sẽ chẳng có ai cảm thấy phải cố gắng để làm cho quả thực mọi cái sẽ tốt hơn. Tôn trọng luật giao thông? Hạn chế xài túi nilon? Hạn chế việc xả rác? Để làm gì, khi mà hai mươi năm nữa đằng nào mọi thứ cũng đều tốt hơn. Khi mà tất cả chúng ta đều giàu có. Dĩ nhiên sẽ nảy sinh ra câu hỏi, ở đâu trong vòng hai mươi năm nữa bất chợt nảy sinh ra một thế hệ những con người có đạo đức và đi xe trên đường phố theo đúng luật quy định, nếu như NGAY TỪ BÂY GIỜ khi họ đang còn là trẻ nhỏ đã học được những điều ngược lại: Chỉ những ai vị phạm càng nhiều luật lệ họ mới có thể đến được nơi mình muốn đến.


Về mặt này những người Đức kỹ tính dĩ nhiên đã đi trước một bước: không có niềm tin sâu sắc, rằng việc vượt đèn đỏ là điều báo hiệu sự sụp đổ của phương Tây, và ngay ngày mai tất cả các thành phố có thể sẽ phải chết một cách đau khổ trước mối hiểm nguy từ những hạt bụi siêu nhỏ, tất nhiên sẽ không dễ dàng gì trong việc làm theo những quy tắc nghiêm ngặt tương ứng. Điểm nhấn mạnh ở đây đó là việc hiện thực hóa, bởi vì ở Việt nam thực ra đâu có thiếu các quy định và luật lệ. Chính thức mà nói, tất cả mọi thứ xảy ra trên đường phố ở đây gần như đều bị cấm, và theo như hiểu biết của tôi, luật môi trường của Việt Nam thuộc vào loại nghiêm khắc trên thế giới. Chỉ có điều chẳng hề có ai quan tâm đến.


Đồng thời sự lạc quan về tương lai của nhiều người Việt Nam cũng có thể giải thích được, nếu người ta nhớ rằng suốt trong 30 năm qua, trên thực tế, mỗi ngày mỗi một thịnh vượng hơn, và nhiều vấn đề tự nó đã biến mất. Các bước nhảy vọt mà đất nước này đã làm được kể từ cuối thập niên 80 đến nay, đối với người châu Âu có lẽ họ sẽ không tưởng tượng nổi.


Mặc dù vậy, tôi vẫn nghi ngờ không biết liệu Hà Nội trong vòng 20 năm nữa có thực sự trở thành một dạng Singapore của người Việt. Với những con đường, mà người ta có thể ăn uống bên cạnh đó, những con đường trên đó các phương tiện giao thông nhẹ nhàng và thông suốt lướt đi, và nơi mà cứ cách 50 mét lại có một trạm xe buýt tại đấy khách đi xe có thể trả tiền bằng thẻ chip. Mặt khác, bản thân người dân ở Singapore cũng đã nói, rằng trước kia tất cả mọi thứ cũng rất hỗn loạn, và giờ đây họ không thể biết chính xác liệu con gà có trước hay quả trứng có trước: Trước tiên là có sự giàu có, và chỉ sau đó mới là tử tế và kỷ luật? Hoặc sự giàu có có được là do trước đó đã có ít nhiều tử tế và kỷ luật?

Số đông người Việt Nam rõ ràng đã tin vào cái đầu tiên, còn người Đức có lẽ sẽ ủng hộ nhiệt liệt cái thứ hai.
Hai mươi năm sau tôi sẽ quay lại đây lần nữa, và sẵn sàng đánh cược về thời gian này.
Mới hơn Cũ hơn