VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Chuyện con người và nghề nghiệp

Hai bài sau đây cùng được viết theo tinh thần phơi bày chất nghiệp dư trong con người và cuộc sống hôm nay.
Bài thứ nhất đã in trong Nhân nào quả ấy, 2004 và bài thứ hai trên TBKTSG 4-2010       

Ai cũng nói buôn mà chẳng ai biết buôn      

 Hồi chưa có chủ trương bung ra làm ăn, nhiều người  thường nhìn sự buôn bán bằng con mắt tiếc rẻ. Thấy một số người  liều lĩnh làm công việc gọi là phe phẩy để rồi  kiếm bộn tiền, ta nghĩ  có khó gì đâu cái việc buôn ấy, ai buôn mà chẳng được. Có biết đâu vài năm sau, mới thấy việc không dễ nhằn: lừa lọc móc ngoặc đánh quả... là một việc, còn buôn bán theo đúng nghĩa của nó lại khác hẳn. 
         Một mặt, cái gọi là tư duy con buôn đang xâm nhập vào mọi hoạt động. Trong công việc nghiên cứu khoa học. Trong dạy và học. Trong mối quan hệ giữa người và người, kể cả trong tình yêu, tình bạn. Mặt khác, chính cái việc buôn bán với nghĩa thực của nó, tức  phân phối và lưu thông hàng hoá, việc ấy thì lại không mấy ai biết làm cho giỏi. Và đi ra buôn bán với thiên hạ  thì người mình thật sự là còn đang rất ngô ngọng.

Quan chức càng không có nghề          
         Một công việc khác tưởng ai cũng có  thể làm được do đó không có người làm giỏi là việc phụ trách quản lý, nói nôm na là việc làm quan. Ở đây cũng có tình trạng tương tự như buôn bán. Tức  là ai cũng thích làm, cũng tưởng mình  thừa sức làm, trong khi chẳng mấy ai gọi là có nghề trong việc làm quan cả. Chỉ giỏi bảo nhau làm đại đi, còn như  giá có ai hỏi làm như thế nào  thì chưa chắc đã  biết.
        Mà không có nghề ở đây thì vừa làm khổ mình, vừa làm khổ người khác, cả cấp trên lẫn cấp dưới.

Nghề càng tưởng  dễ thì  càng khó  
  Chuyện thời sự ở nông thôn hiện nay là đi xuất khẩu lao động. Một người bạn tôi có vợ làm phiên dịch cho một công ty Đài Loan kể :
   --Chính tuyển người đi phục vụ trong các gia đình lại khó nhất.
    Nghe mà thấy bất ngờ. Cũng tương tự như tôi đã bất ngờ khi nghe nói rằng một số tỉnh bắt đầu cử bà con nông dân đi các nước học nghề. Thì ra cũng như nhiểu người, mình  hay chủ quan mà nghĩ rằng những việc  như làm ruộng hoặc trông nom nhà cửa thì bất cứ ai cũng làm được. Trong khi ấy thì trong xã hội hiện đại, cái gì người ta cũng đưa lên thành bài bản và coi là nghề phải học. Mà dân mình thì rất ngại học.

Học xong chả biết làm gì
      Ta thường hay nói môi trường đầu tư ở Việt Nam hấp dẫn mà một trong những lý do tạo nên sự hấp dẫn đó là  vì người mình thông minh chịu khó, lại khéo léo, và có văn hoá, dễ  tiếp nhận kỹ thuật nước ngoài. Nhưng bản tin  của VTV1 sáng 10-3 -2003 đưa tin : Chỉ có 4% người Việt ra nước ngoài ( xuất khẩu lao động ) có tay nghề  với nghĩa nghiêm chỉnh. 
         Cái sự thiếu người có nghề thật ra  đâu phải chỉ đến ngày đưa người đi lao động nước ngoài mới biết. Mà lâu nay, mỗi năm hè tới,  cả xã hội gần như rung động  vì các kỳ thi đại học, thì lại là một dịp nhiều người chép miệng  : thi cử căng thẳng nhưng rồi học xong chả biết làm gì. Thừa thầy thiếu thợ. Các trường gọi là đại học quá chật là vì các trường dạy nghề của ta quá  yếu.
 
Giỏi kiếm ăn chứ không phải giỏi nghề
   Ở chỗ riêng tư, nhiều người  gần đây không giấu nổi  ngạc nhiên : tiền nhiều quá, các cơ quan cũng như dân đều sẵn tiền, không có tiền làm việc lớn nhưng ăn uống chè chén rồi trợ cấp với biếu xén thì lu bù, lương thấp nhưng bổng lộc lại gấp mấy lương. Tương tự như vậy, trong khi cái phần con người nghề nghiệp  mờ nhạt thì thay vào đấy ở nhiều người  lại đang  nổi lên cái phần con người  kiếm sống. Nghĩa là xoay sở chạy chọt, tác động chỗ này dí điện chỗ kia. Thậm chí, cái tiêu chuẩn để một vị thủ trưởng được anh em yêu mến thời nay không phải là chuyên môn giỏi mà là chạy giỏi, kiếm được nhiều tiền về chia cho nhân viên.
   Sổ tay tôi có ghi được một câu nói của nhà văn Nga L. Leonov  :
  Khi nói tới con người, tôi cho rằng nói luôn tới nghề nghiệp là một điều cần thiết. Tổng quát mà nói  tôi thích những người yêu tột độ một cái gì đó. Đối với tôi, việc đi sâu vào cách nhìn đời sống của họ thông qua nghề  nghiệp mà họ gắn bó,  là một chuyện rất thú vị. Nghề nghiệp chính là sợi dây xã hội nối kết con người với thời đại.
      Tạm diễn cái ý trên đây của L. Leonov như sau: mỗi con người chúng ta phải được chuyên môn hoá. Phải có đóng góp cho xã hội trong một công việc cụ thể, và ta phải chăm chút học hỏi để cho cái công việc cụ thể đó trở thành công việc giỏi giang.
      Trong thực tế, đây lại thường là chỗ yếu của con người trong xã hội ta hôm nay.
                            

 Thầy không ra thầy, thợ không ra thợ

      Nhìn vào các nghề thủ công, nhiều người có tuổi và kỹ tính một chút thường nhận ngay ra rằng nếu so với một người thợ ngày xưa thì thợ bây giờ non tay hơn nhiều. Những ngôi đình ngôi chùa nổi tiếng, giá bảo bây giờ dựng lại không sao dựng nổi.
      Thử đặt những cái chuông cũ trước cánh thợ đúc, những pho tượng trước cánh thợ mộc… Có cho tiền tỉ các vị cũng lắc đầu không dám nhận làm.
     Nói tới thợ thủ công là phải nói sự tinh tế, cái hoa tay. Thợ bây giờ hơn hẳn người xưa ở các phương tiện hiện đại trợ giúp. Nhưng máy móc, trong khi giúp con người đỡ vất vả, lại làm thui chột đi năng khiếu mà chỉ con người mới có.
    Nhân nhà có việc cần, tôi đi mua một cái cuốc. Lưỡi cuốc nhập từ Trung Quốc, không nói làm gì. Nhìn vào cái cán. Xưa chỉ cán tre, nay có cán gỗ. Chết nỗi, gỗ chỉ được đẽo gọt qua loa. Chưa bao giờ tôi thấy có một cái cán cuốc nham nhở như vậy.
     Đã nhiều ý kiến ghi nhận con người thời nay suy thoái so với ngày xưa. Dối trá lừa lọc làm bậy bất chấp luật pháp… Còn một khía cạnh khác đơn giản hơn: Sự lỏng lẻo trong mối quan hệ con người với công việc. Sự kém cỏi trong chất lượng công việc mà họ hoàn thành.
    Có lẽ không nước nào như ở nhiều cơ sở sản xuất nước ta, hàng hóa chỉ được những mẻ đầu, càng về sau càng hỏng.
    Nhiều con đường mới làm đã nứt vỡ toe toét.
    Đình chùa được tu bổ ngày một lai căng xa lạ trong khi sự tinh xảo bị thay bằng sự bôi bác, giả lễ bà chúa mường.
     Trong nghề viết văn viết báo, văn chương chữ nghĩa chưa bao giờ bị rẻ rúng như bây giờ. Người viết viết bừa viết ẩu, người duyệt bài cứ ký đại đi cho in – chỉ cốt không sai chính trị còn tội lỗi gì cũng tha bổng hết.
     Xảy ra tình trạng lộn xộn không chỉ do sự dễ dãi thiếu chuẩn mực cùng sự kém cỏi của những người cầm trịch mà còn do sự tha hóa của bản thân người lao động. Nhiều người thiếu hẳn sự tha thiết với công việc hàng ngày xưa nay vốn là lẽ sống của những con người tự trọng. Cứ ngong ngóng những chuyện đâu đâu trong khi chính nghề nghiệp bị thả nổi.
    Ở Hà Nội những năm sau 1954 có một tình trạng khá kỳ quặc. Chủ nghĩa bình quân bộc lộ ra thành những biến tướng kỳ lạ. Những người lao động đơn giản được tôn lên vị trí rất cao trong khi người trí thức thì lại luôn luôn bị đặt thành vấn đề. Trước mắt là phải cải tạo họ bằng những thứ lao động đơn giản, người ta bảo vậy!
    Ở nhiều cơ quan, người dọn dẹp vệ sinh (lúc ấy gọi là lao công) được bố trí đi học văn hóa ngay trong giờ làm việc, còn các nhân viên khác thì phải bỏ việc của mình đi làm những việc như lau nhà lau cửa, dọn dẹp vệ sinh. Công thức tóm lại là “Người quét rác đi học văn hóa, các nhà khoa học lo đi quét rác”. Từ đây đẻ ra cái tình trạng nhấp nhổm, chả ai yên tâm làm việc gì.
     Trong các cuốn lịch sử nghệ thuật Nhật Bản, tôi đọc thấy họ hay nói là có những người theo nghề một cách hết lòng tới mức có những cô gái tự nguyện không lấy chồng để yên tâm cống hiến cả đời cho nghề.
     Ở ta thì lâu lắm tôi không nghe thấy nói có ai “điên” kiểu ấy. Kiểu sống hết mình với một niềm tin nào đó được coi là lập dị và không chấp nhận được. Khi chuyển hóa vào trong cách ứng xử người lao động, nó hiện ra thành sự coi thường những việc nhỏ mọn.
     Trong điều kiện một nước mới chuyển từ nông nghiệp lên hiện đại, xưa phố xá đi đâu cũng gặp những người thợ chữa những thứ lặt vặt như chữa khóa chữa giày. Nay thì nghề này ngày càng ít người làm.
     Thằng cháu con đứa em tôi đang ở bên Đức thỉnh thoảng về chơi. Nó kể thời học đại học, mùa hè nó đi vác lợn trong lò sát sinh rồi lái xe chở lợn đến các cửa hàng. Nghe chuyện, hàng xóm bảo nhau: Ở Việt Nam không ai làm thế. Thanh thiếu niên có nghèo mấy nhưng bảo đi làm những việc có vẻ bẩn thỉu một chút là lảng xa. Nhiều gia đình ngấm ngầm khuyến khích con cái khôn ranh lừa lọc hơn là lặng lẽ trau dồi nghề nghiệp.
     Sự hư hỏng công nhiên phô bày và biến thành sự trơ tráo không biết từ lúc nào. Những tiền đề tạo nên sự vô cảm, bạo lực ngày một tích tụ. Những nghề phục vụ ăn chơi đàng điếm chưa bao giờ phát triển nhiều như bây giờ, tuy ngó vào thì thấy cả ở đây nữa, người ta chỉ có một trình độ nghề nghiệp loàng xoàng.                                          


Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn