VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Có sao đâu

Theo quy định của chữ Hán là đọc từ trên xuống thì bốn chữ Hán trên tấm hình kèm theo đây đọc lần lượt là điển -- từ -- Việt --Hán . Mãi rồi tôi mới hiểu : chắc là những người làm sách đã xin chữ một ông đồ tân thời nào đó , để tô điểm cho cuốn từ điển của Đào Duy Anh , nhưng vì quên mất lời dặn nên dán ngược . Lòng bỗng tự hỏi : một người ngoại quốc nào đó sẵn biết tiếng Hán khi thấy quyển sách này họ sẽ nghĩ gì ? Có lẽ sau một hồi phân vân họ sẽ phì cười mà tự nhủ rằng : Hay là người Việt hiện nay mới phát minh ra lối viết chữ Hán theo kiểu mới , viết ngược từ dưới lên ?! Tôi còn có thể kể ngay ra đây nhiều những ví dụ về sự cẩu thả bừa bãi bày ra đầy rẫy trên các văn bản chúng ta cho xuất xưởng hàng ngày. Lâu lắm rồi , nhiều báo đã viết đại loại “ Lev Tolsoi là một nhà văn xô viết “ mà đinh ninh rằng mình tuyệt đối đúng . Vào những ngày này , dư luận đang xôn xao về hàng trăm sai lầm được gọi đích danh là bịa đặt và dối trá trong hai cuốn từ điển tiếng Việt của một soạn giả nổi tiếng . Hoặc như mới nhất là cuối tuần qua , nhiều người không tin ở mắt mình khi thấy trên một bài báo viết về các tác giả nữ của vùng Mỹ la tinh lại thường xuyên xuất hiện mấy chữ “ Matxcơva “ , và mãi người ta mới đoán ra là có lẽ đó là chữ Mehico , do xuất phát từ văn bản tiếng Hán nên …đọc nhầm . Nhân đây nói về việc viết tên đất tên người nước ngoài : một sự hỗn loạn . Hỗn loạn trong toàn bộ hệ thống xuất bản phẩm . Trong một tác giả . Và không hiếm khi ngay trong một trang sách . Còn nhớ có lần tôi góp ý kiến cho một nhà văn nổi tiếng rằng ông đã chép nhầm một câu thơ chữ Hán dùng làm đề từ cho một cuốn tiểu thuyết ông viết , thì ông cho một câu xanh rờn : “ Sai thì bạn đọc sẽ sửa . Cái câu tuyệt vời kia nó vẫn còn nguyên trong các tập thơ của Nguyễn Du cơ mà “ . Hoặc đây là cách phản ứng của một sếp báo khi có người chỉ ra những lỗi kiến thức trên báo của ông : -- Sao mà lúc nào cũng chỉ nhìn thấy khuyết điểm của người ta như vậy ? Tiếp tục câu chuyện về Hội ơi là hội ( TT&VH 6-5-05 ) , tôi muốn nhắc tới một chi tiết khác cũng vang vọng như một điệp khúc trong đầu óc người xem từ chương trình này của VTV 3 . Số là khi dân làng làm bánh chưng thì bao chuyện bê bối xảy đến : thiếu gạo , thiếu đỗ , thiếu thịt . Đựơc cái là các vị chức sắc có lối giải quyết rất hồn nhiên : không có gạo nếp thì gạo tẻ ; không có đỗ thì bù vào bằng khoai, sắn ,lạc ; không có thịt lợn thì thay vào bằng thịt rắn thịt chuột . Và lần nào “ cho ý kiến “ như vậy thì mặt họ cũng đánh lên kiêu hãnh , kèm theo một câu buông lửng : Có sao đâu ! Có sao đâu , đang trở thành câu đầu miệng mà nhiều người tự nhủ khi có ai đó phát hiện ra họ có sai lầm . Có sao đâu vang lên đồng nghĩa với câu hỏi “ có chết ai đâu ? “ để trở thành cả một triết lý sống mang đậm dấu ấn thời đại . Không chết ai cả , đúng thế , mọi chuyện vẫn trôi qua hồn nhiên ,vâng -- chỉ có điều đáng lẽ có thể là một cuộc sống đi dần đến hoàn thiện thì thay vào đó là một tình trạng nhếch nhác nham nhở kéo dài không biết đến bao giờ mới chấm dứt .

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn