VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Cân đo đong đếm cụ thể

Là người làm nghề xuất bản , tôi không khỏi ngạc nhiên khi đọc những bài báo như bài Văn học Trung quốc chinh phục thế giới, nguyên bản in trên Time , bản dịch do báo Lao động ở ta in trong số 9-2-2003 . Bài báo kể : ở Trung quốc, ngành xuất bản nộp thuế cho nhà nước chỉ kém công nghiệp thuốc lá và rượu . Tôi nhận ra trong cái chi tiết tiền thuế này mấy điều : sách đã biến thành một công cụ hữu ích ; người Trung quốc thật ham đọc ; và giới làm sách đã đáp ứng được nhu cầu đó ; nói gọn lại là ngành xuất bản ở họ đã trở thành một ngành công nghiệp hùng hậu . Không cần một lời hoa mỹ nào , mà cái mức nộp thuế cho nhà nước đã là một thứ nhiệt kế thông báo chính xác tình trạng phát triển của một ngành sản xuất dù là sản xuất tinh thần . Khi sáng tác và xuất bản đi đúng cái mạch hiện đại của nó , thì việc xuất hiện những tác phẩm Trung quốc làm say mê cả bạn đọc ở các nước khác , cỡ như Báu vật của đời, Phế đô , Cao lương đỏ , Điên cuồng như Vệ Tuệ , Hoa đỗ quyên đỏ v..v.. là chuyện tự nhiên , không có mới lạ . Còn ở ta thì sao ? Tôi không có thống kê cụ thể nhưng đoan chắc không ai ngớ ngẩn tới mức so sánh thuế của ngành xuất bản với thuế thu được từ rượu và thuốc lá . Nhà văn Nguyễn Khải từng có nhận xét thời buổi kinh tế thị trường , dân mình sắm tủ chè thì nhiều chứ ai sắm tủ sách ?! Mà trong việc này , trước tiên là giới viết sách và xuất bản sách có lỗi . Chúng ta đã không kéo được bạn đọc đến với sách . Chung quanh các loại gọi là chi tiết cụ thể , mới đây tôi bắt gặp một ví dụ khác , nhưng là ở bên hội hoạ : Lâu nay nghe một số bạn cầm cọ vẽ khoe cũng thấy vui lây. Rằng hội hoạ VN độc đáo lắm . Rằng chúng ta có những triển lãm đầy thuyết phục và nhiều hoạ sĩ ta có tranh trong các bộ sưu tập của nhiều nước khác nhau . Nhưng sự thực thì sao ? Từ Paris , hoạ sĩ Trần Trọng Vũ vừa có một thông tin ngắn gọn về tình trạng của hội hoạ VN ; những thông tin ấy được hoạ sĩ Trịnh Cung xác nhận , ông này cắt nghĩa tại sao mình lại đồng tình với Trần Trọng Vũ qua bài trả lời phỏng vấn ngắn in trên TT&VH số ra 16-5-2003 . Theo Trần Trọng Vũ và Trịnh Cung , khi ra nước ngoài , chưa bao giờ tranh VN có mặt trong hệ thống các gallery chuyên nghiệp ; và người mua tranh trong nước thường chỉ là khách du lịch . Thế tức là sao ? Theo tôi hiểu , tức là chúng ta chỉ có một nền hội hoạ thuộc loại chầu rìa . Vì chầu rìa nên mới không lọt vào được hệ thống mỹ thuật chuyên nghiệp. Đại khái cũng giống như trong bóng đá , chỉ khác là trong bóng đá người ta có hệ thống xếp loại rõ ràng , còn trong nghệ thuật thì chưa . Từ hội hoạ tôi lại quay về văn học . Cuối năm ngoái ( từ 19 đến 21-12- 2002 ) , cuộc gặp gỡ quốc tế lần thứ nhất những người dịch văn học VN đã được tổ chức tại Hà Nội và tháng 4- 2003 vừa qua , một tập kỷ yếu của hội nghị đã được xuất bản . Trong tập kỷ yếu , bản báo cáo của ban tổ chức về tình hình văn học VN dịch ra các nước và lời phát biểu của một số đại biểu nước ngoài kể về tình hình giới thiệu văn học VN ở nước họ đã có dịp được in lại . Sẽ chẳng có gì mới nếu bảo rằng qua các báo cáo này có thể khảo sát nhiều điều thú vị . Và đây là một chi tiết khiến tôi phải dừng lại : trong phần tác phẩm văn học VN dịch ra tiếng Trung quốc , có kể ra mấy cuốn văn học cổ điển cùng là loạt sách của những năm từ 1975 về trước như Con trâu, Vùng mỏ , Vỡ bờ , Người con gái Việt nam, Từ tuyến đầu Tổ quốc v..v.. ; tính riêng phần văn học VN từ sau 1975 , chỉ thấy nói tới Ông cố vấn của Hữu Mai ( có chua rõ là năm 1999 , in ở NXB Quân sự nghị văn nhưng tính chất của NXB này thế nào , thì không thấy nói ) . Chắc nhiều người như tôi , khi đọc đến đây , tự hỏi : Chẳng nhẽ bạn đọc bên Trung quốc vô tình với các tác phẩm của ta hôm nay đến vậy ? Hay các bản báo cáo để sót ? Vô lý , không có lẽ ! Hiện chưa rõ ai sẽ đứng ra làm , song theo tôi , việc theo dõi văn học VN ra nước ngoài và có thông báo thường xuyên cho dư luận biết là cần kíp . Nên có những thống kê cụ thể về cả số lượng lẫn chất lượng : hàng năm có những tác phẩm nào đã được dịch ? Những cuốn sách đó in ra bao nhiêu bản ? ở những nhà xuất bản như thế nào ? và được dư luận bên ngoài đón nhận ra sao ? Những con số tự nó biết nói lên sự thật . Còn những lời lẽ : hẳn không cần tinh tế lắm , bạn đọc cũng sẽ phân biệt được ngay đâu là mấy câu khen cho phải phép , còn đâu là những lời thực lòng cảm phục .

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn