VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Đến với cuộc sống dưới đáy

Hàn Thiếu Công sinh năm 1953, là một nhà văn thành đạt về mọi mặt. Hiện là Ủy viên Đoàn chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc. Ông đã giành được nhiều giải thưởng văn học trong nước và tác phẩm đã được dịch ra các thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Italia... Cùng với Thiết Ngưng, Tô Đồng -, Hàn Thiếu Công vừa được bình chọn là nhà văn kiệt xuất nhất của Trung quốc 2006 (giải thưởng giá trị mười vạn nhân dân tệ tương đương 13.000 USD ). Tác phẩm xuất sắc trong năm của ông là tập tản văn dài mang tựa Sông nam núi bắc. Tập sách gồm 99 bài viết ghi lại những cảm nhận và lí giải về đời sống nông thôn, được coi như mở đầu cho văn học “tìm về nguồn mới”. Cái mới cái độc đáo mà bạn đọc sẽ tìm thấy ở cuốn sách đang cầm trong tay là khả năng của tác giả trong việc chỉ ra trình độ dã man, cái không khí ngưng trệ mê muội mà người ta ai cũng cảm thấy trong cuộc sống của một vùng núi ở nước Trung Hoa mênh mông, khi họ chưa làm rung chuyển cả kinh tế thế giới. Giữa thời hiện đại, cái bản nhỏ ở đây như từ thời nguyên thủy còn sót lại. Sự sống cũng có đủ mặt, người ta cũng lo ăn lo uống, cúng cáp, lấy vợ lấy chồng, yêu thương nghi ngờ cãi cọ nhau …Nhưng trong cái hoàn cảnh mà đến cái ăn tối thiểu chưa bảo đảm, con người như rạp xuống ngang trình độ cây cỏ, sự sống chìm trong tanh tưởi bụi bậm và nhìn đâu cũng thấy nhem nhuốc nhếch nhác. Người già mốc meo đi và người trẻ lấm lem từ khi mới lớn. Nhân vật cu Bính thì còn không được như AQ hoặc Chí Phèo ở ta nữa, mà đây là một nhân vật bất thành nhân dạng cả về hình hài lẫn đời sống tinh thần. Hại thay, đó lại là nhân vật rõ nhất trong thiên truyện, có lúc được coi như hiện thân của sức mạnh thiêng liêng của dân bản. Những cái dường như không thể tin được lại hiện ra trong sách như là những nhân tố tồn tại rất sâu trong xã hội. Đọc thoáng thấy ngờ để rồi bị cuốn theo tác giả, nhìn xã hội bằng con mắt phát hiện của tác giả. Tôi chỉ có thể đến với Trung quốc qua những cuốn du lịch “bụi” nhưng trong những lần đi vội vã đó, ngoài danh lam thắng cảnh và những thành phố như vừa được mang từ Âu Mỹ sang, cũng đã kịp quan sát, tìm hiểu một mảng “đời sống dưới đáy” thành phố, đó là những mặt lạc hậu cổ hủ trong nếp sống, nó chi phối cả một xã hội bề ngoài đứng vững nhưng bên trong ngổn ngang bề bộn sau mọi biến thiên. Không khó khăn gì lắm, tôi cũng đã thấy một phần những gì muốn biết. Lang thang ở Thượng Hải cũ ( cố nhiên không phải Thượng Hải Phố Đông ), tôi đã gặp những khu phố đường xá chật hẹp và người chen chúc, phần nào gợi lại cảm tưởng mấy phố Hàng Buồm Hàng Bạc bên mình. Trong lúc chờ tàu mấy tiếng ở ga Bắc Kinh, ngay trong khu vực không quá xa trung tâm thành phố, tôi len lỏi đi vào những ngõ nhỏ ( hồ đồng ) sau ga. Các mái nhà lợp bằng đủ mọi thứ tôn gỗ nhặt nhạnh đây đó đã xám xịt lại, lô xô cái thấp cái cao. Khi các gia đình tìm đủ mọi cách để cơi nới thêm trong phạm vi có thể, họ cũng làm ra những không gian rúm ró thảm hại. Đường trong ngõ quanh co. Một người đàn bà ra khỏi căn phòng nhỏ tay vo viên tờ giấy trắng. Bên đường là một mái nhà dùng làm hố xí công cộng, loại hố xí không có phên che riêng cho từng buồng, người vào đấy ngồi cạnh nhau. Đi trong ngõ chỗ nào có hố xí là cái mùi ngào ngạt kia bốc lên, người khách phương xa chỉ còn nhìn nhau tủm tỉm. Những ấn tượng ở Bắc Kinh lần ấy trở lại trong tôi khi đọc nhiều trang trong Bố bố bố của Hàn Thiếu Công. Kinh khủng nhất là đoạn tả sau cuộc đánh nhau, chỗ nào cũng thấy tay người chân người. Những con chó ăn thịt người nhiều quá, con nào cũng béo núng nính, mắt đỏ ngầu. Chúng không thèm ăn những thứ của người tống ra nữa. Cả bản bốc lên cái mùi thum thủm. Cái thấy ở các thành phố lớn giúp ta hiểu thêm những vùng sâu vùng xa. Và đời sống vật chất chẳng qua chỉ làm hiện hình những gì vốn có trong đời sống tinh thần. So với Bố bố bố thì Nữ nữ nữ -- mà tôi muốn dịch thoát thành Những người đàn bà – đọc không ghê rợn, nhưng ấn tượng cũng rất đáng sợ. Nhân vật người cô hình như giống tất cả những người nghèo mà ở xã hội nào cũng có. Bà ta hàng ngày sống thu va hà vén khổ hạnh, lúc nào cũng như thu mình lại để khỏi làm phiền mọi người. Rồi đến lúc ốm, trong tình thế chỉ chờ chết, lại hiện ra như một người lắm điều độc ác tự cho mình cái quyền hành hạ những người thân của mình. Lúc này người ta không còn nghĩ tới chuyện xấu tốt nữa, người ta chỉ nghĩ con người có thể trở thành tai vạ ngay cho người khác. Trong những cung bậc thấp nhất của nó, kiếp nhân sinh ở đây mờ mờ xám xám một cách thê thảm. Người giàu liên tưởng dễ nghĩ tới Kafka. Đôi khi có cảm tưởng càng yêu thích vẻ rực rỡ tráng lệ của Trung quốc, người ta càng muốn hiểu với cái phần lạc hậu vốn có ở đất nước ấy như Hàn Thiếu Công đã làm. Dí mũi vào những mảng sống tối tăm như thế để làm gì ? Để hiểu Trung quốc “ cải cách và mở cửa ” hôm nay bắt đầu từ đâu. Để hiểu những di lụy mà hàng ngàn năm phong kiến lạc hậu và mấy chục năm chế độ bao cấp duy ý chí và phản tự nhiên còn để lại trong đời sống. Sau hết cũng là để thấy thêm những vấn đề nhân văn nhân bản tồn tại qua một xã hội Á Đông điển hình và nghĩ thêm về những “kịch bản” đa dạng có thể có trong những ngày tới.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn